Tính đến tháng 6-2023, TP HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, 62 trường CĐ, 60 trường trung cấp, 22 trung tâm GDNN-GDTX, 54 trung tâm GDNN và 178 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN.
Đến nay, có 53.681 người tốt nghiệp và cấp bằng/ chứng chỉ, đạt tỉ lệ 45,88%. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 4.385.446/5.094.285 người lao động, đạt tỉ lệ 86,08%.
Nhiều vấn đề được trao đổi tại hội nghị sơ kết công tác GDNN 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra chiều 24-7
Về công tác tuyển sinh, nhiều trường cho biết vẫn đang tiếp tục chiêu sinh, số hồ sơ nhập học đạt khoảng 50% so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, một số trường có khối ngành "hot" như ôtô, cơ khí... đã gần hoàn thành chỉ tiêu.
Về đánh giá, xếp hạng giáo viên đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN năm 2022, đại diện các trường cho biết đang gặp vướng mắc chung.
Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, trường được cấp giấy phép là Trung tâm Đánh giá Kỹ năng nghề quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, trường vẫn còn một số giáo viên không đạt chuẩn vì chưa thể thi đánh giá.
"Hai năm qua, các nghề cần tổ chức thi đánh giá giáo viên ở TP HCM vẫn chưa có bộ đề thi. Hiện tại, trường chỉ có thể tổ chức đánh giá cho 2 nghề là Công nghệ thông tin và Điện tử công nghiệp" – TS Kha cho hay.
TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ tại hội nghị
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị
Đại diện các trường cũng cho biết đều rơi vào tình trạng tương tự. ThS Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho hay ngoài việc thiếu bộ đề thi đánh giá kỹ năng cho giáo viên bậc III, còn một số ngành chưa tổ chức đánh giá kỹ năng như khối ngành liên quan dịch vụ, ngoại ngữ… Vì những lý do khách quan mà nhiều giáo viên giỏi vẫn đang trong giai đoạn chờ thi lấy chứng chỉ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM Nguyễn Văn Lâm lắng nghe ý kiến của các trường
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, yêu cầu Phòng GDNN nhanh chóng lấy ý kiến và thống kê số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn ở các trường để đưa ra hướng xử lý, khắc phục
Ông Lâm nhấn mạnh nhu cầu GDNN tại các tỉnh, thành còn rất cao, đặc biệt khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ. GDNN không chỉ tập trung phát triển ở TP HCM mà cần mở rộng địa bàn để đào tạo nguồn lao động tốt hơn. Tại mỗi tỉnh, thành, Phòng GDNN cần thống kê lại những ngành nghề đào tạo phù hợp và số lượng doanh nghiệp đang cần nguồn lao động.
Ngoài ra, các trường học, cơ sở GDNN trên địa bàn TP HCM cần hỗ trợ, tạo điều kiện học tập cho các trường hợp là bộ đội xuất ngũ đến nhập học.
Nhiều vấn đề nóng được thảo luận tại hội nghị
Trong 6 tháng cuối năm, Sở LĐ-TB-XH TP HCM tập trung tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện chuyển đổi số trong GDNN; nâng cấp các tính năng cho Cổng thông tin điện tử GDNN, xây dựng Đề án quản lý mạng lưới cơ sở GDNN TP đến năm 2030 (giai đoạn 2)…
Bình luận (0)