UBND TP Hà Nội cho biết năm học 2021-2022, toàn TP có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 2.206.906 học sinh (HS); 138.090 giáo viên. Trong đó, công lập có 2.237 trường, 1.832.847 HS, 91.201 giáo viên; tư thục có 550 trường, 321.298 HS, 42.284 giáo viên.
Học sinh ở Hà Nội đi học trở lại sau thời gian dài phải học trực tuyến
Thời gian qua, về cơ bản đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tích cực, chủ động ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang các hình thức dạy học khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện. Việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học tạo nhiều áp lực cho giáo viên; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động của HS gặp không ít khó khăn.
"Một số giáo viên dạy hợp đồng, giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có tâm lý lo lắng khi phải nghỉ dạy, bị giảm lương, không có thu nhập dẫn đến chuyển nghề, đặc biệt giáo viên mầm non" - UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Đánh giá tác động dịch Covid-19 với ngành Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến toàn bộ các cơ sở giáo dục mầm non phải đóng cửa, không thể tổ chức các hoạt động trực tiếp. Đội ngũ giáo viên mầm non phải chuyển trạng thái giáo dục, chăm sóc trẻ trực tiếp sang việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Việc thay đổi về phương thức tổ chức các hoạt động giáo dục dẫn đến giáo viên rất vất vả trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và triển khai các nội dung hoạt động để hướng dẫn phụ huynh trong điều kiện phương tiện thiết bị còn thiếu. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu từ nguồn học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả lương, bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhiều cơ sở phải giải thể, nguy cơ giải thể, nhiều giáo viên mầm non chuyển nghề, bỏ nghề.
Đội ngũ giáo viên phổ thông phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến; linh hoạt giữa dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyển, dạy học qua truyền hình tùy theo diễn biến của dịch bệnh và điều kiện cơ sở vật chất của từng đơn vị. Việc dạy học trực tuyến bước đầu gây khó khăn cho giáo viên, đặc biệt giáo viên lớn tuổi, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc thiết kế bài giảng, học liệu trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu. Qua gần 2 năm dạy học trực tuyến, đến nay phần lớn giáo viên đã quen và tiếp cận được cách thiết kế bài giảng và phương pháp dạy học trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn có một số địa bàn khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tuyến, khiến việc dạy và học chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Việc triển khai các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phải lùi thời gian, thay đổi hình thức dẫn đến chậm tiến độ. Việc giáo viên ít được tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, giảng viên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khi triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Về việc học tập của trẻ mầm non, HS, việc trẻ mầm non nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ theo chương trình giáo dục mầm non và sự an toàn của trẻ, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Bên cạnh đó, việc trẻ em mầm non không được đến trường không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung ứng và chất lượng nguồn nhân lực trong các hoạt động kinh tế, xã hội.
HS lớp 1 bị ảnh hưởng lớn nhất do trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi phải ở nhà nên các em HS hầu như không được học trực tiếp chương trình cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được. Đối với HS lớp 2, do tình hình dịch phức tạp phải học trực tuyến và trên truyền hình nên công tác giáo dục cũng nhiều khó khăn.
Việc học trực tuyến và trên truyền hình kéo dài khiến chất lượng giáo dục không đạt hiệu quả như mong đợi, tình trạng HS chưa chủ động, tự giác trong học tập chiếm tỉ lệ không nhỏ.
UBND TP Hà Nội cho biết việc triển khai học tập trực tuyến đã tác động mạnh đến chất lượng giáo dục và sự phát triển thể chất, tinh thần của các em. Trẻ mầm non ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp.
Giãn cách xã hội đã khiến cho cuộc sống của trẻ mầm non, HS bị đảo lộn, trong quá trình học trực tuyến do phải tiếp xúc liên tục với các thiết bị điện tử làm tăng nguy cơ phát sinh tật khúc xạ; HS ngồi lâu, ít vận động và không kiểm soát được tư thế ngồi làm tăng nguy cơ mắc cong vẹo cột sống và béo phì; việc ở nhà quá lâu ít được tương tác trực tiếp khiến không ít HS có biểu hiện tâm lý tiêu cực, căng thẳng, lo âu, cáu gắt, dẫn đến bị quan, chán nản, thậm chí phát sinh hành vi bạo lực.
Bình luận (0)