Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, nếu học sinh (HS) đi học vào ngày 30-5 và chậm nhất là ngày 15-6 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ dùng 4 tuần còn lại để kiểm tra định kỳ cho HS và kiểm tra cuối năm sau thời gian học trực tuyến tại nhà.
Hoàn thành chương trình học trong tầm tay
Như vậy, HS vẫn hoàn thành chương trình học tập. HS lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia. Trong điều kiện dịch bệnh khiến thời điểm đi học lại chậm hơn ngày 15-6, Bộ GD-ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn.
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho hay tỉnh này đã cho HS THPT đi học trở lại từ ngày 2-3. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, HS THPT của tỉnh này đã học tập trung tại trường được 4 tuần. "Rà soát chương trình tinh giản của bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu HS đi học trở lại từ tháng 5 thì thoải mái thời gian để dạy học, ôn thi THPT quốc gia cho các em. Nhưng nếu sau ngày 15-6, HS vẫn chưa đến trường học trở lại được thì việc tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khó khăn" - ông Việt nói.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) tập huấn cho giáo viên giảng dạy trực tuyến trong tháng 4-2020. Ảnh: TẤN THẠNH
Tỉnh Nam Định từ ngày 2-3 đã cho HS THPT đi học trở lại đến ngày 23-3, trước khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp hơn. Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, nhìn nhận tỉnh này hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước ngày 15-7 như khung thời gian quy định của bộ.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn, ông Ma Thế Quyên, cho biết theo chương trình chưa tinh giản thì HS tỉnh này đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ GD-ĐT tinh giản chương trình, nếu HS đi học, dù muộn hơn một chút so với mốc 15-6 thì vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia.
Về kỳ thi THPT quốc gia, ông Lương Văn Việt cho rằng sẽ có nhiều hệ lụy nếu không tổ chức kỳ thi này. Ông Việt bày tỏ quan điểm: Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến HS không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ II. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cũng nhận định việc tổ chức thi sẽ khiến HS và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Đồng tình với việc lấy mốc 15-6 để quyết định tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia hay bỏ thi để bảo đảm an toàn cho HS khi dịch còn diễn biến phức tạp, ông Ma Thế Quyên cũng bày tỏ quan điểm: Tổ chức được kỳ thi thì sẽ tốt hơn so với bỏ thi.
"Mọi thay đổi vào thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý HS. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường ĐH để được vào học tiếp… Bất khả kháng, khi dịch phức tạp kéo dài thì mới nên thôi tổ chức kỳ thi này" - ông Quyên nói.
Lúng túng trong tuyển sinh
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT), cho rằng dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường ĐH vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hằng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường ĐH sẽ lúng túng. Chuyên gia này nói thêm không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng. "Làm được một bộ đề thi riêng rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề thì hệ lụy sẽ khó lường" - ông Ngọc nhận định. Cũng theo ông Ngọc, trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường ĐH có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.
PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng nếu không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển ĐH năm nay. Do vậy, trong trường hợp kỳ thi THPT không thể được tổ chức, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chi tiết. Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ GD-ĐT có thể giao cho cụm trường (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM) hay một số trường tốp trên đủ điều kiện tổ chức thi riêng. Các trường tốp dưới có thể đăng ký tham gia hoặc lấy kết quả thi của các cụm trường để xét tuyển. Vì thực tế hiện nay, các trường đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển học bạ gồm năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 khá phổ biến.
TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng có chung quan điểm này. Bà cho rằng trong điều kiện tốt nhất, việc tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho HS lớp 12 cũng như các cơ sở giáo dục ĐH. Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi mà có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục THPT cho HS thì các trường ĐH sẽ phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến thí sinh.
"Cho dù phương án nào thì chúng tôi cũng rất mong Bộ GD-ĐT có quyết định sớm để các cơ sở giáo dục ĐH chủ động hơn về phương án tuyển sinh và sớm thông tin tới cho thí sinh" - TS Phạm Thu Hương nêu.
Bình luận (0)