Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ, nếu học sinh có thể đi học vào ngày 30-5 và chậm nhất là 15-6 thì Bộ GD-ĐT sẽ dùng 4 tuần còn lại để kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm sau thời gian học trực tuyến tại nhà. Như vậy, học sinh lớp 12 vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, các học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 khiến thời điểm đi học lại chậm hơn 15-6-2020, Bộ GD-ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn.
Nhiều trường đại học sẽ lúng túng trong tuyển sinh nếu năm nay không tổ chức thi THPT quốc gia - Ảnh: Ngô Nhung
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT), cho rằng dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng.
"Xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng sẽ có tình trạng "vàng thau lẫn lộn", khó đảm bảo chính xác và công bằng cho các em học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp"- ông Ngọc nói.
Chuyên gia này nói thêm không nhiều trường có thể ra đề thi riêng, vì làm được một bộ đề thi riêng là rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề hệ lụy sẽ khó lường.
Theo ông Ngọc, trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.
PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng nếu không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển đại học năm nay. Do vậy, trong trường hợp kỳ thi THPT không thể được tổ chức, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chi tiết.
Bình luận (0)