Một lớp dạy võ miễn phí cho trẻ khuyết tật tại quận 3 - TPHCM
Ở nhà vì thiếu trường
Được gia đình gửi vào học tại trường mầm non nhưng sau vài tuần cố gắng, trường đành phải trả bé S.B về cho gia đình vì bé luôn lặp lại các hành vi cũ và không có biểu hiện tiến bộ. Nhưng để gia đình tìm được trường chuyên biệt phù hợp cho bé S.B học tiếp là không dễ, vì quận Thủ Đức - nơi gia đình bé S.B ở chưa có trường chuyên biệt, gia đình đành để bé ở nhà.
Ở những quận chưa có trường chuyên biệt, hầu hết phụ huynh có con khuyết tật hoặc để con ở nhà như cha mẹ bé S.B hoặc đến những quận xa để xin cho con học nhờ. Tuy thế, số lượng trẻ được các trường chịu cho học nhờ cũng rất hạn chế do khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, số lượng chuyên gia trị liệu cũng chưa đáp ứng đủ.
Một số trường bị xuống cấp trầm trọng như Trường Chuyên biệt Thảo Điền (quận 2 - TPHCM). Ở trường này, mỗi khi triều cường là sân trường chìm ngập trong nước nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Trường Chuyên biệt Ánh Dương (quận 12 - TPHCM) tuy có khuôn viên rộng nhưng chưa có tiền làm bếp ăn nên không thể tổ chức bán trú cho trẻ…
Hạn chế sự phát triển
Bà Nguyễn Thị Thân, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Dân lập Khiếm thính Hy Vọng (quận Bình Thạnh - TPHCM), bày tỏ: “Giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật là rất quan trọng vì sẽ giúp các em bớt nóng giận, tập tính kiên nhẫn, có đời sống tinh thần lạc quan, tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục loại này hầu hết được cải tạo từ nhà ở nên nhỏ, không có sân bãi cho học sinh hoạt động nên hạn chế sự phát triển”.
Hiệu trưởng một trường chuyên biệt tại quận 2 cho biết: “Đứa trẻ sinh ra không bình thường là nỗi đau của gia đình nhưng đôi khi phản ứng của phụ huynh vô tình càng làm thui chột sự phát triển hiếm hoi của trẻ. Một số phụ huynh đưa trẻ khuyết tật đi học ở những lớp bình thường và có khuynh hướng giáo dục theo hướng bù đắp khiến trẻ có nhiều hoạt động bất thường trong sinh hoạt tập thể, ảnh hưởng đến kế hoạch chăm sóc, dạy dỗ của giáo viên. Một đứa trẻ tự kỷ hay có những biểu hiện rối nhiễu thì không thể tiếp thu chương trình hay phương pháp học bình thường như những trẻ khác”.
Can thiệp càng sớm càng tốt
BS Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên thỉnh giảng bộ môn tâm lý thần kinh và tâm bệnh học phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM, cho biết trẻ tự kỷ càng được can thiệp sớm càng tốt. Do đó, phụ huynh cần để ý đến những biểu hiện phát triển của trẻ để sàng lọc bệnh.
Những biểu hiện của trẻ tự kỷ thường xuất hiện trước 3 tuổi như chậm phát triển ngôn ngữ, cách liên hệ và tương tác với người lớn hầu như không có. Khi người lớn cười với trẻ thì trẻ không cười lại, nhìn trẻ thì trẻ nhìn đi nơi khác; gọi tên nhưng trẻ không phản ứng lại, không biết dùng ngón tay trỏ để chỉ; có nhiều biểu hiện tách rời xung quanh…
Theo Ban Phụ trách giáo dục khuyết tật của Sở GD-ĐT TPHCM, một số học sinh khuyết tật còn kèm theo hành vi khó điều chỉnh như sợ người lạ, hay bỏ chạy, đập đầu vào vật cứng, nhất là với những trường hợp không có ngôn ngữ. Những trẻ này thường la hét khiến giáo viên rất vất vả.
Khó nhận học sinh mới Do không có quy định về độ tuổi học sinh trong trường chuyên biệt nên số học sinh lớn tuổi trong các trường khá nhiều. Độ tuổi chênh lệch của học sinh trong trường chuyên biệt hiện nay nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất là 25 tuổi. Điều này dẫn đến tình trạng các trường khó có điều kiện nhận học sinh mới. Nhu cầu dinh dưỡng của từng lứa tuổi khác nhau, trong khi các trường chuyên biệt cũng chỉ thu tiền ăn bằng mức thu của các trường mầm non nên việc bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng là rất khó khăn. |
Bình luận (0)