Các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 đúng quy định về thời gian. Tuy nhiên, nhiều trường ngay khi vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 cũng đã công bố luôn sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc xét tuyển tuy không ồn ào như năm 2015 nhưng cũng khá căng thẳng cho các trường ĐH, CĐ khi mặt bằng điểm, số lượng thí sinh giảm khá nhiều so với năm trước.
Rất ít trường giữ được điểm chuẩn năm 2015
Mặt bằng điểm chung trên quy mô cả nước của các tổ hợp môn xét tuyển tuy có cải thiện về chất (tỉ lệ thí sinh có điểm thi trên ngưỡng được phép xét tuyển 15 điểm so với tổng số thí sinh có tăng) nhưng số lượng thí sinh lại giảm khá mạnh (giảm 120.000), lại giảm chủ yếu ở phân khúc thí sinh có điểm cao trên 25. Vì vậy, như đã dự báo ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi THPT quốc gia 2016 và trước khi đợt 1 xét tuyển bắt đầu (xem Báo Người Lao Động ngày 31-7), điểm chuẩn của các trường nhìn chung sẽ giảm từ 0,5-2.
Với các thông tin điểm chuẩn đợt 1 vừa công bố, rất ít trường giữ được mức điểm chuẩn như năm 2015; còn phần lớn các ngành đều giảm bình quân chung thường từ 0,5-2 điểm, cá biệt có ngành giảm đến 4-5 điểm. Các trường, các ngành có điểm cao “ngất ngưỡng” ở năm 2015 tuy cũng giảm điểm chuẩn như dự đoán nhưng vẫn nằm trong mức độ dự báo từ 0,5-2. Tuy nhiên, những ngành có điểm chuẩn giảm sâu nhất lại chính là những ngành có mức điểm chuẩn năm 2015 ở mức từ 18-22.
Nếu như năm 2015 chưa quy định rõ về chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp môn khác nhau của cùng một ngành thì năm nay, phần lớn điểm chuẩn trúng tuyển giữa các tổ hợp môn khác nhau của cùng một ngành đều bằng nhau. Nếu trường có phân chỉ tiêu của ngành theo tổ hợp môn xét tuyển thì điểm trúng tuyển của các tổ hợp môn này cũng chỉ chênh nhau từ 0,5-1.
Khác với vài ý kiến lo ngại về việc một số trường đặt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ mức điểm ngưỡng xét tuyển trở lên có thể làm mất nguồn tuyển của một số trường không thu hút thí sinh, thực tế cho thấy thí sinh đã tìm hiểu thông tin rất kỹ và có sự tự phân luồng. Nhiều trường tuy số hồ sơ đăng ký xét tuyển không quá nhiều so với chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn trúng tuyển lại rất cao (Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP HCM...). Ngược lại, có trường nhận hồ sơ gấp nhiều lần so với chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn vẫn tương đối thấp.
Mối lo trúng tuyển ảo, tuyển thiếu chỉ tiêu
Kết thúc đợt 1 xét tuyển, những trường công bố sớm nhất là những trường có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc chỉ xấp xỉ với điểm ngưỡng xét tuyển. Hầu hết các trường ĐH tư thục và dân lập đều thông báo xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ cũng bằng ngưỡng điểm xét tuyển (15). Ngay cả một số trường ĐH công lập vốn thu hút được thí sinh nay cũng bị hụt hẫng do ngay trong đợt xét tuyển quan trọng nhất vừa kết thúc, số thí sinh đăng ký xét tuyển ở nhiều ngành còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường ĐH Vinh đã thông báo xét tuyển bổ sung gần 2.000 chỉ tiêu cho 27 ngành. Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dự kiến xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành bậc ĐH. ĐH Đà Nẵng cũng dự kiến xét tuyển thêm ở một số ngành có khả năng còn thiếu thí sinh. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng xét tuyển bổ sung các ngành chất lượng cao hoặc các chương trình liên kết đào tạo quốc tế...
Tuy nhiên, những trường có điểm chuẩn trúng tuyển cao cũng chưa phải thật sự hoàn toàn yên tâm. Do đặc điểm số lượng thí sinh có điểm thi tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 25 trở lên khá ít và giảm khá nhiều so với năm 2015 nên các thí sinh có điểm rất cao chính là “tác nhân gây ảo” cho các trường khi mà khả năng trúng tuyển cả 2 trường của những thí sinh này gần như chắc chắn.
Một vấn đề cũng khá “nghịch lý” khi mà các trường tuyển thiếu chỉ tiêu phải xét tuyển bổ sung là lẽ đương nhiên nhưng nhiều trường có mức điểm chuẩn trong khoảng 18-22 cũng đang rất lo lắng chờ xem tỉ lệ thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đủ chỉ tiêu hay không. Tất nhiên, việc phải gọi xét tuyển bổ sung sẽ là giải pháp “chống ảo” cuối cùng nhưng nhiều trường đã đẩy tỉ lệ gọi trúng tuyển so với chỉ tiêu của một số ngành lên mức khá cao, có thể đến 140%-150%.
Bình luận (0)