Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM, một trong những trường CĐ có lượng thí sinh (TS) dự thi đông nhất và điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 thuộc vào hàng cao nhất tại TPHCM, vừa thông báo xét tuyển 300 chỉ tiêu NV3 chung cho tất cả các ngành. Trước đó, trường không xét tuyển NV2.
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển vào ĐH tại TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Trường tốp trên cũng kẹt nguồn
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng Phòng Đào tạo của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.380. Trường đã gọi đến 2.400 TS trúng tuyển NV1 (170% so với chỉ tiêu), thế nhưng đến thời điểm này, chỉ có khoảng 1.000 TS nhập học. Do vậy, trường phải tính toán xét tiếp NV3 để bổ sung cho số TS trúng NV1 nhưng không nhập học.
Ông Hà cũng cho biết những năm gần đây, chưa năm nào trường phải gọi đến NV3, tuy nhiên năm nay, do số lượng các trường ĐH công lập xét tuyển NV2 nhiều và điểm xét tuyển không cao nên nhiều TS trúng tuyển vào trường đã chọn học ĐH chứ không chọn CĐ.
Do quy định điểm xét tuyển NV3 không được thấp hơn điểm các NV trước đó, mà điểm chuẩn NV1 vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM khối A: 26, D1: 23 điểm nên theo ông Hà, số lượng TS điểm cao như vậy hiện còn rất ít. Do vậy, trường phải xét tuyển NV3 cả đối với TS dự thi ĐH có điểm 13 trở lên để “sơ cua”. Riêng đối với TS dự thi CĐ, điểm xét tuyển NV3 khối A là 27, khối D1 là 24 điểm trở lên.
Tại nhiều trường CĐ, số sinh viên trúng tuyển NV1 đến làm thủ tục nhập học chỉ đạt 50%. Trong tình cảnh số sinh viên nhập học không như dự tính, nhiều trường tiếp tục phải tính toán đến việc gọi thêm chỉ tiêu NV3.
Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng xét tuyển 370 chỉ tiêu, Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Vạn Xuân xét tuyển 350 chỉ tiêu, Trường CĐ Tài nguyên Môi trường xét tuyển 350 chỉ tiêu, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TPHCM xét tuyển 570 chỉ tiêu...
Hạ điểm để tuyển bổ sung
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vừa cho biết sẽ xét tuyển bổ sung từ nguồn TS của trường thêm 150 chỉ tiêu ngành tài chính - ngân hàng (bậc ĐH), với điểm chuẩn 19,5. Trước đó, trường không xét tuyển NV2 ngành học này và điểm chuẩn NV1 cao hơn 0,5 điểm so với điểm xét tuyển bổ sung. Trường cũng thông báo xét tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu ngành tài chính - ngân hàng (bậc CĐ) với điểm chuẩn 15,5.
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết do nhiều TS đạt điểm cao tha thiết được học hệ ngoài ngân sách nên trường đã có công văn và được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển bổ sung theo chỉ tiêu trên.
“Nhà trường muốn tạo cơ hội thêm cho TS dự thi vào trường có điểm thi cao (xấp xỉ điểm chuẩn NV1 nhưng không trúng tuyển NV1) được theo học, nên quyết định tuyển bổ sung và điều chỉnh điểm xét tuyển bổ sung xuống còn 19,5 điểm. Đáng ra những TS được tuyển bổ sung phải đóng học phí theo hệ ngoài ngân sách nhưng nhà trường quyết định thu mức học phí bằng với mức học phí hệ chính quy theo quy định là 290.000 đồng/tháng”- ông Minh bày tỏ.
Ông cũng cho biết trường cũng chỉ xét tuyển bổ sung hệ CĐ đối với những TS đã có hồ sơ xin xét tuyển NV2 vào trường trước đó. Ông Minh nhấn mạnh rằng đây là “hành động đẹp” của nhà trường nhằm tạo thêm cơ hội cho TS có NV học tại trường chứ không phải là chỉ tiêu NV3 và cũng không phải nhà trường hạ điểm chuẩn (!?).
Sẽ tạo bất công
Việc Trường ĐH Ngân hàng TPHCM được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển bổ sung sẽ mở đường để các trường khác xin thêm chỉ tiêu tuyển bổ sung, đặc biệt với những trường mà số TS nhập học ít, để tránh phải đào tạo thiếu số lượng.
Tuy nhiên, số TS điểm trúng tuyển thấp hơn được tuyển bổ sung và được nhập học cùng với hệ chính quy sẽ tạo nên sự bất công đối với những TS đạt điểm trúng tuyển trước đó. Dư luận sẽ không khỏi nghi ngờ vào sự công bằng trong xét tuyển “ba chung”! |
Bình luận (0)