
Trao đổi với PV báo NLĐO trước giờ thi, thí sinh Nguyễn Mạnh Khiêm (học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, Gò Vấp), thi vào khoa Điện tử-Viễn thông của trường ĐH KHTN TPHCM cho biết: “Tâm lý em khá thoải mái khi thi môn này và tự tin sẽ làm được trên 60%”. Thí sinh này cũng cho biết thêm phần toán vô cơ luôn là phần khó “nhằn” nhất đối với các thí sinh.
Tại hội đồng thi trường ĐHSP TPHCM, thí sinh Nguyễn Thị Ngân Khanh (học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, Đăk Nông) hồ hởi nói: “Tâm trạng em bây giờ rất tốt và không có gì để lo lắng cả”.
Thí sinh Nguyễn Dương Kim Hiền (học sinh trường THPT Nguyễn Du, TPHCM) chán nản: “Đề 50 câu mà em đánh lụi tới một phần ba, chắc may lắm em làm được 60% thôi”.
Còn thí sinh Nguyễn Thị Hồng Vân (học sinh trường THPT Trị An, Đồng Nai) thì cho biết: “Em đánh đại cả 5 câu cuối cùng, còn lại cũng không chắc lắm. Nếu tính điểm thì em được khoảng 5 điểm là cùng”.
Nhiều giám thị coi thi tại các hội đồng thi cũng cho biết ý kiến là đề Hóa năm nay có tính phân loại thí sinh khá cao.
Cô Lê Thị Hằng, giám thị coi thi tại Hội đồng thi ĐHSP TPHCM cho biết: “Đề trắc nghiệm nên các em đều làm hết, nhưng khi nộp bài thi nhiều thí sinh mặt hơi buồn, có lẽ do làm không đạt”. Cô cũng cho biết thêm, đề Hóa có sự phân loại thí sinh vì lý thuyết thì dễ nhưng bài tập thì không dễ “nuốt”.
Một điều đáng nhân rộng ở các mùa tuyển sinh sau đó là công tác giữ đồ đạc, điện thoại, tư trang của thí sinh được lực lượng tiếp sức mùa thi Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức rất tốt. Để tạo tâm lý thoải mái và an tâm cho thí sinh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã đánh số vào mỗi túi đồ thí sinh ký gởi; thậm chí niêm phong nếu có tư trang, tiền bạc.
Kết thúc đợt I có 104 trường hợp bị xử lý kỷ luật trong đó có 18 thí sinh bị khiển trách, 5 thí sinh bị cảnh cáo và 81 trường hợp bị đình chỉ thi (năm 2009 có 105 trường hợp bị xử lý kỷ luật). Thí sinh bị xử lý kỷ luật chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi. Rất ít trường hợp vô tình vì cán bộ coi thi đã phổ biến, nhắc nhở kỹ lượng thậm chí còn dán cả băng rôn không mang điện thoại vào phòng thi. |
Hôm nay, 5-7, không có trường hợp cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật. Như vậy kết thúc đợt I chỉ có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật.
Trong đợt I, có hiện tượng một số thí sinh đăng ký “một đằng” nhưng đến điểm thi “một nẻo”, có thí sinh đăng ký thi ở Hà Nội nhưng lại vào TPHCM dự thi hay đăng ký cụm thi Quy Nhơn, Cần Thơ cũng đến TPHCM dự thi. Tất cả các trường hợp nhầm lẫn nói trên đều được giải quyết cho thí sinh dự thi, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.
Trường hợp hy hữu do sơ suất của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa khiến thí sinh Khương Đình Thịnh cũng không kém lo lắng. Thí sinh này đăng ký dự thi vào Trường ĐH Thể dục Thể thao TPHCM nhưng do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa ghi lộn mã ngành nên “buộc” Thịnh phải thi vào Trường ĐH Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên. Do được phát hiện sớm nên Ban chỉ đạo tuyển sinh đã có ý kiến tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh Thịnh dự thi vào Trường ĐH Thể dục Thể thao TPHCM như đăng ký ban đầu.
Ngày 4-7 sau khi hoàn tất bài thi môn Lý, thí sinh Nguyễn Hồ Phương Anh dự thi vào Học viện Hàng không, đã nhập viện mổ ruột thừa cấp theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi mổ xong, sáng hôm nay Phương Anh đã hoàn tất môn Hóa với thời gian 60 phút với sức khỏe không tốt. Ngay sau đó nhà trường đã điều động xe đưa em vào bệnh viện.
Tại cụm thi Cần Thơ không có trường hợp thí sinh và cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc (SN 1989, Đồng Tháp) vừa được mổ trước khi đợt I bắt đầu cũng nén đau hoàn tất bài thi cả ba môn.
Bà Trần Thị Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo thi tuyển sinh 2010, Bộ GD-ĐT cho biết: “Đợt I kì thi tuyển sinh ĐH đã diễn ra an toàn và nghiêm túc. Các ban, ngành địa phương đã phối hợp chặt chẽ với hội đồng tuyển sinh các trường, đảm bảo điều kiện để phục vụ cho kì thi”
Bình luận (0)