Mùa tuyển sinh 2012 đã chứng kiến nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập khủng hoảng trong tuyển sinh. Giỏi lắm cũng chỉ tuyển được 50%-60% chỉ tiêu, nhiều trường chỉ đạt 10%-20% chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Hậu quả là nhiều ngành học phải giải thể vì không tuyển đủ sinh viên để mở lớp.
Lãnh đạo các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cho rằng Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu cho các trường công nên nguồn tuyển sinh bị vét sạch, tỉ lệ lên đến 85% hoặc cao hơn nữa. Vì vậy “miếng bánh” còn lại dành cho các trường ngoài công lập là vô cùng nhỏ, do vậy họ trách bộ đã vô cảm trước tình trạng khó khăn của các trường, chỉ biết “sinh ra” mà không biết “dưỡng”…
Bức xúc trước nguy cơ nhiều trường ngoài công lập có thể “tự chết”, nhiều ý kiến được đề xuất để đem “sự sống” lại cho các trường như đề nghị có hai loại điểm sàn (cho công lập và ngoài công lập), bỏ kỳ thi “ba chung”, để các trường tự tuyển sinh… Những đề nghị này không mới và thực tế lại thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ như đề xuất có hai điểm sàn, vô hình trung hạ thấp các trường ngoài công lập; bỏ kỳ thi “ba chung” thì lấy gì làm chuẩn đầu vào, trong khi chưa có hình thức nào khác thay thế? Hay như để các trường tự tổ chức tuyển sinh, càng làm cho các trường “chết” nhanh hơn!...
Tình trạng bi đát hiện nay của các trường ngoài công lập có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi tăng quy mô đào tạo ở các trường công, mở trường mới ồ ạt trong những năm trước đây. Cả nước hiện có 414 trường ĐH-CĐ, trong khi đó dự kiến đến hết năm 2013 sẽ có thêm ít nhất 50 trường nữa ra đời vì trong 80 hồ sơ xin thành lập trường mới, 47 trường đã có chủ trương thành lập. Với số lượng trường như vậy, trong khi nguồn tuyển ngày càng ít đi, các trường ngoài công lập sẽ gặp vô vàn khó khăn.
ĐH-CĐ ngoài công lập đang “than khóc”, đó là chuyện được báo trước khi mà chất lượng đào tạo nhiều trường chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, học phí lại tăng liên tục. Chỉ riêng vấn đề học phí thôi, các trường tư đã không thể cạnh tranh được với trường công. Thực tế, “cuộc khủng hoảng” ĐH ngoài công lập cũng là cơ hội để các trường tự sàng lọc như chủ trương của Bộ GD-ĐT.
Trên thế giới, các trường ĐH tư vẫn phát triển tốt. Theo số liệu của World Bank, hiện trên toàn thế giới, các ĐH tư có doanh thu 400 tỉ USD/năm, chủ yếu ở các trường hoạt động theo xu hướng vì lợi nhuận. Xu hướng này chiếm thị phần rất cao, như ở Hàn Quốc chiếm đến 80%, Nhật Bản 77%, Ấn Độ và Brazil 75%, Philippines 68%... Số liệu đó cho thấy các trường ĐH tư vì lợi nhuận vẫn sống rất tốt. Lý giải điều này cũng rất đơn giản, bởi họ bảo đảm chất lượng trong đào tạo.
Đó cũng chính là điều mà đa số các trường ĐH tư ở Việt Nam đang thiếu và chính chất lượng đào tạo mới là điều quan trọng chứ không phải chỉ ở cơ chế tuyển sinh.
Bình luận (0)