Năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP HCM có 2 chương trình mới là Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Tại Phân hiệu Vĩnh Long, trường bổ sung 2 chương trình đào tạo mới là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Tài chính.
Nhiều ngành mới hấp dẫn
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho biết năm nay, trường dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: Công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính và Quản lý tài nguyên - môi trường.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP HCM
Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP HCM (UEF) mở mới 6 ngành học gồm: Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện. ThS Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông Tin - Truyền thông nhà trường, cho biết đây là những nhóm ngành thuộc thế mạnh của UEF về kinh tế, tài chính; các ngành về truyền thông sự kiện thì mang tính nghề nghiệp xu hướng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, UEF còn theo dõi sự quan tâm của các thí sinh trong các nhóm ngành.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm nay là trường tiếp tục đầu tư cho khối ngành Sức khỏe. Ngoài 7 ngành hiện tại đang đào tạo là Y, Răng – Hàm – Mặt, Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Phục hồi chức năng, Hộ sinh, trường dự kiến mở thêm 2 ngành: Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, trường cũng mở mới ngành Thương mại điện tử và Giáo dục tiểu học.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM mở đến 9 ngành học mới, trong đó nhiều ngành cập nhật việc phát triển mạnh mẽ của số hóa. Những ngành học mới thuộc các nhóm ngành kinh tế - quản trị (kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện), sinh học - môi trường - nông lâm (dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi) và truyền thông - nghệ thuật (nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh, truyền hình). Đây đều là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nổi bật trong nền kinh tế hội nhập thời gian tới…
Đáp ứng nhu cầu mới
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng Phòng Truyền thông - Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cũng cho biết việc đào tạo các ngành mới của trường trong năm nay gắn với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại. Điều này giúp sinh viên có thể thích nghi với điều kiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Định hướng đào tạo nhóm ngành này cũng góp phần giải "bài toán" nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) năm 2022 tuyển sinh thêm các ngành mới như: Quản lý tài nguyên - môi trường; Trí tuệ nhân tạo tuyển sinh trong nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (2021); ngành Toán tin, Toán ứng dụng tuyển sinh trong nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng...
Trong khi đó, GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện các trường chưa có, chỉ đi vào kỹ thuật chứ chưa đào tạo về quản lý. Thị trường công nghệ mạnh nhưng tổ chức gắn kết cung cầu lại chưa có nguồn lực. Người bán chưa biết bán cho ai còn người mua lại không biết tìm ở đâu. Chính phủ cũng muốn phát triển thị trường công nghệ nhưng lại thiếu người kiến tạo thị trường, thiếu người quản lý sản phẩm… Đó là lý do ra đời ngành công nghệ và dổi mới sáng tạo. Với ngành Truyền thông đa phương tiện, hướng đi của trường khác với các trường khác, ngoài digital còn phải phải đưa cảm hứng vào sản phẩm…
Bình luận (0)