Chương trình chất lượng cao được một số trường ĐH mở từ dăm bảy năm nay nhưng quy mô và số lượng trường ĐH mở hệ đào tạo này càng tăng. Có nơi, chương trình chất lượng cao (CLC) chiếm 50% quy mô đào tạo chính quy.
Tăng quy mô chương trình CLC
Kế thừa thành công của Chương trình Tiên Tiến (CTTT) - đề án quốc gia của Bộ GD-ĐT từ 2006, chương trình CLC bắt đầu tuyển sinh rộng rãi từ năm 2014 theo Thông tư 23 của Bộ GD-ĐT. Mục tiêu của chương trình CLC nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực.
Trước khi thực hiện cơ chế tự chủ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã có nhiều năm tổ chức chương trình CLC. Với hệ đào tạo này, sinh viên phải đóng học phí cao hơn hệ đại trà- một giải pháp để cải thiện điều kiện tài chính của trường. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết khi chưa thực hiện tự chủ, mức thu của sinh viên rất thấp nên rất khó có điều kiện cải thiện chất lượng. Do vậy, trường mở hệ chất lượng cao trước tiên giải bài toán tài chính, sau đó là giải bài toán chất lượng.
Tại Trường ĐH Mở TP HCM, chương trình CLC cũng được trường triển khai từ vài năm nay. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, hiệu trưởng nhà trường cho biết quy mô đào tạo chương trình CLC tại trường ngày càng được mở rộng. Hiện có khoảng 25% sinh viên chính quy học chương trình chất lượng cao.
Với sĩ số lớp học ít (khoảng 40 sinh viên/lớp), giảng viên được chọn lọc, chương trình CLC ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM ngày càng được nhiều sinh viên chọn học. Ước tính đến nay, chương trình đào tạo CLC chiếm khoảng 50% quy mô sinh viên hệ đào tạo chính quy.
Lớp học thuộc chương trình CLC tại Trường ĐH bách khoa TP HCM
Là một trong những trường ĐH đi đầu cả nước về đào tạo quốc tế, Trường ĐH Bách Khoa TP HCM đến nay đã có 15 chương trình CLC, 1 chương trình tiên tiến. Năm 2020, trường dự kiến mở thêm 5 chương trình CLC. Ngoài những tiêu chí chất lượng cao theo quy định chung của ĐHQG TP HCM, chương trình CLC của Trường ĐH Bách khoa TP HCM còn có những ưu thế riêng biệt như ngành học phong phú: Trải rộng từ lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ như Máy tính, Điện - Điện tử, Cơ khí, Cơ Điện tử, Ô tô, Xây dựng, Dầu khí, Hóa học, Hóa Dược, Thực phẩm, Môi trường… đến lĩnh vực kinh tế - quản trị như Quản lý Công nghiệp, Quản trị Kinh doanh.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (thành viên ĐHQG TP HCM) cũng có 8 chương trình CLC; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM (ĐHQG TP HCM) cũng có 5 chương trình CLC; Trường ĐH Nông lâm TP HCM 5 chương trình CLC; Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm nay cũng dành 30% chỉ tiêu các ngành cho chương trình CLC; Trường ĐH Ngân hàng 800 chỉ tiêu (gần 25%); Trường ĐH Tài chính- Marketing 1.400 chỉ tiêu cho 6 chuyên ngành…
Sinh viên được gì?
Một số suy nghĩ cho rằng chương trình CLC điểm đầu vào thấp nên chỉ dành cho những thí sinh không đủ điểm vào chương trình đại trà. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh giỏi, đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi vẫn lựa chọn chương trình CLC ngay nguyện 1.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, cho biết thực tế năm nào cũng có những thí sinh có kết quả thi cao đăng ký học chương trình CLC. Vì vậy, chương trình CLC dành cho thí sinh có điểm thi thấp là cách hiểu không đúng.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, cho biết điểm nổi bật nhất của chương trình CLC là chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, trường sẽ yêu cầu người học sử dụng tiếng Anh trong suốt quá trình học thông qua giáo trình, giảng dạy, làm bài thi, viết khóa luận. Chương trình đào tạo của CLC được bổ sung từ giáo trình của nước ngoài, nên việc thuần thục tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc cho sinh viên khi tốt nghiệp, trường đòi hỏi sinh viên học chương trình CLC phải có tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu ra cao hơn sinh viên hệ đại trà. Đội ngũ giảng viên tuyển chọn, có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, quy mô lớp học nhỏ, tăng tương tác giữa sinh viên với giáo viên. Do đó, chương trình CLC vẫn được sự quan tâm chọn lựa của nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên giỏi
Học phí của chương trình CLC với mức giá tầm cỡ 40 – 60 triệu/năm tùy thuộc vào khối ngành học. Sinh viên được thụ hưởng các tiện ích như sĩ số lớp thấp (tối đa 40 sinh viên/lớp), tương tác giữa sinh viên và giảng viên tốt hơn, sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn; cơ sở vật chất tiện nghi, phục vụ tối đa cho việc học tập và nghiên cứu như khu vực học tập và thư viện riêng; giảng viên xuất thân từ các trường danh giá nên đảm bảo kiến thức và kỹ năng truyền đạt tốt
Các trường ĐH có tổ chức chương trình CLC cho biết hiện Bộ GD-ĐT chưa qua định chuẩn đầu ra chương trình CLC cao hơn hệ đại trà như thế nào nhưng thực tế sinh viên tốt nghiệp chương trình CLC nổi trội hơn sinh viên đại trà, các em được trang bị tốt về kiến thức, khả năng tiếng Anh, các kỹ năng cần thiết... nên thành công hơn.
Bình luận (0)