Học sinh Trường Tiểu học Yên Hòa - Hà Nội trong giờ sinh hoạt ngoại khóa
Phải 3 công khai
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện đúng nội dung được quy định trong điều lệ cha mẹ học sinh, phải 3 công khai để phụ huynh, xã hội đều biết và giám sát”. Ông Tuấn cho biết hiện bộ đang xây dựng văn bản hướng dẫn thu tự nguyện trong nhà trường. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì các văn bản liên quan chưa đầy đủ.
Theo ông Tuấn, một trong những lý do dẫn đến lạm thu trong nhà trường chính là ngân sách cho các trường còn hạn chế. Để khắc phục hạn chế này, Bộ GD-ĐT sẽ quan tâm bảo đảm đủ nguồn ngân sách để cải thiện nguồn chi cho nhà trường. Tỉ lệ chi hiện nay là 80% cho con người, 20% cho hoạt động. “Ngân sách chi cho hoạt động rất hạn chế nên các trường gặp nhiều khó khăn” - ông Tuấn nhận xét. Tuy vậy, vấn đề tăng học phí chưa được Bộ GD-ĐT đặt ra trong điều kiện hiện nay vì kinh tế đang rất khó khăn.
Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, không ít phụ huynh tỏ ý bất bình vì nhiều trường đội mác chất lượng cao để thu học phí “khủng”, trong khi chất lượng hoàn toàn không tương xứng. Ông Lê Khánh Tuấn cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về học phí, cho phép các trường chất lượng cao được thu học phí cao. “Mất hơn một năm mà chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn vì đây là vấn đề rất khó” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thực tế, xác định thế nào là trường chất lượng cao không phải dễ dàng. Về nguyên tắc, học phí các trường này được đánh giá trên các dịch vụ nâng cao. Người học được hưởng dịch vụ nào thì đóng học phí theo mức ấy và hoàn toàn tự nguyện. Dịch vụ giáo dục cơ bản được bảo đảm, không ảnh hưởng đến cơ hội học tập của học sinh ở mức phổ biến. Trước những bức xúc của dư luận, ông Tuấn thừa nhận có thể có những vi phạm nguyên tắc này ở một số trường, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Quyết tâm 3 giảm
Theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số mỗi lớp không quá 35 học sinh nhưng thực tế ở các TP, con số này thậm chí vượt quá 60 em. Điều này dẫn đến nguy cơ là khó có thể bảo đảm chất lượng dạy và học. Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cho biết tình trạng này Bộ GD-ĐT đã biết và đây là bài toán nan giải, không thể có giải pháp mạnh tay hơn là nhắc nhở các địa phương.
Theo ông Thành, hằng năm đều có một lượng học sinh nông thôn di cư đến các TP nhưng đất đai ở TP hạn hẹp nên không thể xây kịp trường học. “Tất cả học sinh đều có quyền đi học, không thể đóng cửa một lớp đúng 35 cháu như trên một cái xe ca được” - ông Thành ví von. Ông cũng cho biết các TP đều nêu quyết tâm 3 giảm: giảm sĩ số, giảm số lớp, giảm trái tuyến. Tuy nhiên, để giảm xuống 35 cháu/lớp thì không biết khi nào!
Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên Năm học 2012-2013, cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT cho biết quy mô của giáo dục mầm non là hơn 4,1 triệu em, học sinh phổ thông là 15 triệu em. Ở hệ trung cấp chuyên nghiệp, số học sinh là 610 em và số sinh viên ĐH, CĐ hơn 2,2 triệu em. Liên quan đến dự thảo thông tư sửa đổi quy định điều lệ trường tiểu học, ông Lê Tiến Thành khẳng định Bộ GD-ĐT không bỏ quy định học sinh 6 tuổi học lớp 1. “Đây là quy định bất di bất dịch” - ông Thành nhấn mạnh. Bộ GD-ĐT không khuyến khích cho trẻ em đi học trước 5 tuổi, trẻ đi học sớm sẽ mất quyền được chơi nhưng một số trường hợp cá biệt thì có thể được tạo điều kiện học sớm hoặc muộn hơn 6 tuổi. |
Bình luận (0)