Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định năm nay có tới 3 hình thức đăng ký xét tuyển là gửi qua đường bưu điện, đăng ký trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường ĐH, CĐ nhưng trong ngày đầu nhận hồ sơ xét tuyển (1-8), nhiều thí sinh (TS) vẫn lựa chọn hình thức truyền thống là nộp trực tiếp.
Hàng trăm hồ sơ nộp trực tiếp
Từ sáng sớm, có TS đón xe từ Bắc Ninh lên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nộp hồ sơ. Hàng trăm TS khác đã được nhà trường tư vấn về từng ngành học cụ thể. Chỉ trong sáng 1-8, đã có 300 lượt TS đến làm thủ tục nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại Trường ĐH Thủy lợi, hàng ngàn TS và người nhà đã đến nghe buổi tư vấn xét tuyển do trường tổ chức. Theo tiến sĩ Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, trường đã bố trí đầy đủ đại diện các phòng, khoa, phòng quản lý sinh viên để cung cấp cho TS những thông tin hữu ích. Các giảng viên, cán bộ của trường cũng trực tiếp tư vấn về ngành nghề đào tạo, chương trình học và cơ hội việc làm cho sinh viên.
Để phục vụ buổi tư vấn, Trường ĐH Thủy lợi đã bố trí hàng chục máy tính kết nối internet nhằm hướng dẫn TS tra cứu trực tiếp về các ngành của trường cũng như hướng dẫn TS đăng ký xét tuyển qua internet nếu các em có nhu cầu. Theo lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi, việc TS đến đăng ký trực tiếp tại trường sẽ tạo cơ hội để hiểu thêm về trường, cơ sở vật chất, sự thân thiện của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Dữ liệu của các TS sẽ được cập nhật vào phần mềm và sau đó chuyển về Bộ GD-ĐT. Tất cả các dữ liệu, thông tin đăng ký xét tuyển hằng ngày sẽ được cập nhật trực tiếp lên hệ thống phần mềm ngay khi các em đăng ký.
Trường ĐH Y Hà Nội nhận được khoảng 100 hồ sơ trong ngày thu nhận hồ sơ đầu tiên. Trường đã chuẩn bị một phòng tư vấn, một phòng thu hồ sơ và một phòng cập nhật dữ liệu để phục vụ TS trong những ngày diễn ra xét tuyển.
Sôi động xét tuyển online
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, từ sáng sớm, nhiều TS đến để đăng ký xét tuyển. Để phục vụ TS đến đăng ký, trường bố trí nhiều bàn tư vấn để hỗ trợ TS đăng ký trực tiếp, đồng thời mở nhiều phòng máy để TS đến đăng ký online trên hệ thống của trường.
Khoảng 8 giờ 30 phút, do hệ thống phần mềm có trục trặc nên trường tạm ngừng cho đăng ký online, nhiều phụ huynh và TS đã di chuyển đến khu vực đăng ký trực tiếp. Sau chừng 15 phút, hệ thống hoạt động trở lại. Theo thống kê của trường, ngay trong buổi sáng đã có 600 hồ sơ nhận trực tiếp, trên 800 TS đăng ký xét tuyển trên online qua hệ thống của trường và của Bộ GD-ĐT.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cũng cho biết đối với TS ở khu vực 1, khu vực 2 nông thôn khi muốn nộp lệ phí xét tuyển phải ra huyện lỵ để chuyển tiền và các em cũng rất nghèo nên trường quyết định miễn lệ phí tuyển sinh cho TS ở 2 khu vực này. Đồng thời, TS ở khu vực bị ảnh hưởng sự cố môi trường Formosa cũng được miễn lệ phí xét tuyển.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, từ sáng sớm, trường đã tập trung 50 sinh viên tình nguyện hướng dẫn cách đăng ký xét tuyển để lực lượng này hỗ trợ khi TS đến đăng ký xét tuyển. Do vậy, trong buổi sáng, dù lượng TS đến đăng ký khá đông nhưng vẫn không xảy ra quá tải, dồn ứ. Tiến sĩ Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết tính đến chiều 1-8, đã có 450 TS đến trường đăng ký xét tuyển trực tiếp. Trường chưa thống kê số lượng đăng ký online.
Tại cơ sở 624 Âu Cơ, quận Tân Bình và 665 Điện Biên Phủ, quận 3 của Trường ĐH Văn Hiến, khoảng gần 1.000 TS đến xét tuyển. Nhiều TS và phụ huynh từ tỉnh lên chờ đợi để xét tuyển từ rất sớm. Trong đó, khoảng 60% TS xét tuyển học bạ và 40% TS xét tuyển điểm kỳ thi THPT quốc gia. Lượng TS xét tuyển online chiếm khoảng 45%, mức điểm bình quân xét tuyển là 17-18, tập trung vào các ngành kinh tế, du lịch và chủ yếu là TS khu vực TP HCM.
Có một sự cố nhỏ đối với TS khi đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM là TS đến đăng ký trực tiếp nhưng trường không tiếp nhận. Ông Trần Văn Châu, phó trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết trường đã ra quy định là chỉ tiếp nhận đăng ký xét tuyển TS qua đường bưu điện, qua hệ thống online của trường và của Bộ GD-ĐT.
Giải thích về sự dồn ứ TS sáng 1-8, ông Châu cho biết trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 10 giờ, trường họp các khoa để xác định điểm sàn mới thay vì xét 15 điểm cho tất cả các khoa, ngành. Ông Châu quả quyết trường không nhận hồ sơ trực tiếp là tuân thủ ý kiến của Bộ GD-ĐT, không cho phép các trường tiếp nhận trực tiếp.
Nên nhớ là không được rút hồ sơ
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết trong ngày đầu tiên đăng ký xét tuyển, không có TS nào có điểm dưới điểm sàn của trường nhưng tìm hiểu thì thấy các em không nắm gì về khả năng trúng tuyển của ngành mà các em muốn đăng ký. Ví dụ như ngành ô tô, điểm chuẩn những năm rồi khá cao, trên 23 điểm nhưng có những TS thấp hơn vài điểm vẫn đăng ký. Ông Dũng cũng lưu ý năm nay, theo quy định, TS khi nộp hồ sơ xét tuyển rồi thì không được rút. Do vậy, phải cân nhắc thật kỹ, cần phải tham khảo điểm chuẩn những năm qua để quyết định.
Bình luận (0)