Với những sinh viên bình thường thì việc giành được giải thưởng đã là sự phấn đấu, còn đối với Trần Thái Hòa, một sinh viên khiếm thị, đây là một nỗ lực phi thường.
Trần Thái Hòa trong ngày nhận giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Chàng sinh viên năm thứ ba cho biết giáo dục giới tính dù đã được đưa vào dạy trong nhà trường nhưng nó vẫn là thứ gì đó lạ lẫm. Học sinh tò mò nhưng lại ngại nói ra. Ở lứa tuổi từ 12 đến 18, con người có sự phát triển nhanh về giới tính nên rất cần có những nhận thức đúng đắn.
Với học sinh bình thường, các em có thể tìm hiểu kiến thức về giáo dục giới tính qua những trang sách, những thước phim… còn với học sinh khiếm thị, những tài liệu phục vụ cho giáo dục giới tính còn rất hạn chế. Bản thân Hòa là người khiếm thị nên muốn tìm cách chuyển tải việc giáo dục giới tính cho người khiếm thị tốt hơn. Vì lý do này, Hòa quyết tâm nghiên cứu đề tài này.
Khi bắt tay thực hiện đề tài, Trần Thái Hòa đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc tìm tài liệu. Hòa phải nhờ các cộng sự tìm, đọc và chọn lọc các tài liệu trong nước cũng như nước ngoài. Khó khăn tiếp theo là đi khảo sát thực tế ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Làm sao để các em học sinh trả lời một cách trung thực nhất về vấn đề giới tính và khó khăn cuối cùng là kinh phí thực hiện đề tài. Những khó khăn đó đã được Hòa cùng các cộng sự từng bước vượt qua.
Trao đổi với chúng tôi về giải thưởng, Trần Thái Hòa cho biết đó là kết quả của sự nỗ lực thường xuyên để vượt khó, Hòa khẳng định: “Đừng ngại khó, hãy quyết tâm bắt tay vào công việc…”.
Bình luận (0)