Ảnh: HỒNG ÁNH
Những phản ứng trái chiều
Theo dự thảo này, sẽ có nhiều mức phạt từ 3 - 30 triệu đồng dành cho một trong các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Theo đó, hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không bảo đảm quy định sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng.
Công tác quản lý liên quan đến tình trạng dạy thêm, học thêm cũng có khung phạt khá khắt khe. Cụ thể, phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm, học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ. Hành vi cấp phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền bị đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng…
Quy định này ngay lập tức đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều của chính những người trong cuộc. Một cô giáo dạy giỏi môn văn của một trường THPT đóng trên quận Đống Đa - TP Hà Nội cho hay cô đã không ít lần phải từ chối lời mời dạy thêm của các phụ huynh cho con mình để bảo đảm quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng “việc từ chối như thế là bất công đối với cả phụ huynh, học sinh và giáo viên”. Cô giáo này phân tích: “Cha mẹ nào cũng mong con học giỏi nên nhiều phụ huynh có điều kiện muốn con được học thêm với những thầy cô giáo uy tín. Thực tế, nhiều người muốn tự dạy con nhưng rất khó bởi chương trình cải cách hiện nay không giống chương trình cũ, không học cùng con thì không thể hiểu để giảng bài cho con”.
Ai vi phạm cũng bị phạt
Việc 4 giáo viên bị Sở GD-ĐT TP Hải Phòng xử lý kỷ luật vì vi phạm quy định dạy thêm, học thêm đã khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt khi Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT TP Hải Phòng nhận xét “các giáo viên bị xử lý kỷ luật đều là những giáo viên dạy giỏi, có đạo đức tốt”.
Trước quan điểm cho rằng phạt giáo viên dạy giỏi vì dạy thêm theo yêu cầu của phụ huynh là “oan”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nhu cầu của phụ huynh phần nào cũng là do thầy cô, nhà trường. “Thầy cô cho những đề kiểm tra, đánh giá quá cao sẽ tác động đến phụ huynh, học sinh, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến việc trẻ phải đi học thêm” - ông Hiển nói. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng chuẩn kiến thức kỹ năng, đặc biệt là ở bậc tiểu học, rất đơn giản; học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa không đi học thêm cũng học được nên không thể nói là dựa vào nhu cầu của phụ huynh mà giáo viên phải dạy thêm. Ông cũng khẳng định “bất cứ ai vi phạm cũng bị phạt”.
Nên có cái nhìn công bằng hơn Cô Phạm Thu Trang, giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy - TP Hà Nội, cho rằng: “Khi nhu cầu xã hội là có thật thì các nhà quản lý và cả xã hội nên có cái nhìn công bằng hơn đối với việc dạy thêm, học thêm. Nên chăng, thay vì cấm thì hãy quản lý một cách chặt chẽ như việc bác sĩ mở phòng mạch. Nếu phát hiện ai đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì phải phạt nặng, thậm chí tước quyền hành nghề của họ. Không nên không quản được thì cấm, vì nói như GS Ngô Bảo Châu, có khi chính những bài toán khó mới kích thích được niềm đam mê của học sinh”. |
Bình luận (0)