Sáng nay 7-9, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (gọi tắt là Luật GDĐH sửa đổi).
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học - Thế Dũng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến ĐBQH và chuyên gia giáo dục đã bày tỏ băn khoăn về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH và khái niệm ĐH.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVH,GD,TN,TN-NĐ) cho biết hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất là của cơ quan thẩm tra (UBVH, GD, TN, TN-NĐ) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDĐH gồm có trường ĐH và ĐH (hệ thống các trường ĐH).
Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDĐH là trường ĐH có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.
Dự thảo luật quy định các trường ĐH tùy theo nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh, tự nguyện hoặc được nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/hệ thống các trường ĐH hoặc khi một trường ĐH tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường ĐH thì được hình thành một ĐH.
Hệ thống này được quản lý, vận hành trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung, được luật pháp bảo vệ và có những quyền tự chủ của hệ thống. Mô hình trường ĐH trong ĐH, theo đó, được cơ quan thẩm tra nhận định là hoàn toàn không mới trong xu hướng phát triển, đồng thời tạo độ mở cho mô hình cơ sở giáo dục ĐH, thuận lợi cho việc kếp hợp, sáp nhập, giảm số lượng trường.
Theo ông Phan Thanh Bình, thực tế xây dựng 2 ĐH Quốc gia, đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế và nguồn lực phù hợp.
Loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục ĐH gồm có ĐH, trường ĐH, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác, gọi chung là ĐH.
Cơ quan thẩm tra dự thảo luật nhận xét quy định này có vẻ tường minh, công bằng khi coi tất cả các cơ sở giáo dục ĐH đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là ĐH và phân biệt với nhau chỉ thông qua nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại các thực thể được gọi là cơ sở giáo dục ĐH gồm có trường ĐH, học viện, ĐH. Quy định này được cho là chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường ĐH bên trong ĐH hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục ĐH là ĐH; các cơ sở giáo dục ĐH đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này. Từ đó, việc ổn định của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn.
Thêm tầng nấc quản lý, bộ máy cồng kềnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với ĐBQH Bùi Thanh Tùng bên lề hội nghị
Tham gia hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng quy định về mô hình ĐH thể hiện trong bản dự thảo luật mới nhất chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã bộc lộ trong thực tế.
"Hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các ĐH Quốc gia, ĐH vùng được gọi là "đại học" trong khi có rất nhiều các trường uy tín khác như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó"- Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Làm rõ thêm, Phó Thủ tướng cho biết quá trình soạn thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra song dự thảo luật vẫn chưa tạo được động lực để các trường vươn lên.
"Hơn nữa khi dịch tiếng Anh chưa phân biệt được và khi hội nhập khó giải thích tên trường vì khi dịch ra tiếng Anh chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường ĐH là University"- Phó Thủ tướng lo ngại.
Phó Thủ tướng cho rằng cần nói thẳng thắn về những hạn chế trong mô hình tổ chức 2 ĐH Quốc gia cũng như 3 ĐH vùng hiện nay. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường ĐH lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi.
Theo Phó Thủ tướng, luật hiện hành không còn phù hợp nhưng phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra trong dự thảo luật sửa đổi cũng khó tháo gỡ được những bất cập trong thực tế. Trong khi phương án đề xuất ban đầu của Chính phủ là dựa trên nguyện vọng của nhiều trường, sẽ giải quyết được các vấn đề đó.
"Anh em các trường đang rất tâm tư với dự thảo luật mới. Không nên chỉ vì tên trường mà ấn người ta ở mức cố định, không được vươn lên" - Phó Thủ tướng chia sẻ.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn cho rằng có sai lầm trong việc tổ chức, phân loại mô hình cơ sở đào tạo ĐH khi chỉ căn cứ vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học…
"Việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục ĐH. Xưa nay cứ nói đến ĐH Quốc gia mà nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong ĐH Quốc gia không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội. Trong khi đó ĐH Quốc gia lại sinh ra một bộ máy quản lý trung gian cồng kềnh, phức tạp" – ông Nhưỡng nhận xét.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích kiểu liên kết trong ĐH Quốc gia là liên kết "cứng", từ một quyết định hành chính của cơ quan quản lý trong khi xu hướng hiện nay là liên kết "mềm", từ nhu cầu và do sự tự chủ của mỗi trường để liên kết với nhau.
Ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị phải tăng quyền tự chủ nghĩa là tạo điều kiện cho liên kết chứ không phải đóng khung trong một mô hình cứng. Để có được sự tự chủ, sáng tạo thực sự cho các trường, nhất định phải lấy kiểm định làm công cụ và chất lượng kiểm định phải được nâng lên.
"Thực tế, nhiều trường đã bộc lộ bức xúc về hoạt động kiểm định ĐH vừa qua khi áp dụng kiểm định chỉ định, chỉ kiểm định cơ sở vật chất mà không kiểm định giáo viên trong khi người dạy – người học mới là yếu tố chính quyết định chất lượng đào tạo"- ông Nhưỡng bày tỏ.
"Lãnh chúa" trong trường đại học
Về chủ tịch hội đồng trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng về lâu dài nên không can thiệp về tuổi để các trường, nhà đầu tư tự quyết định. Nhưng trong vòng 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực, cần giữ nguyên tắc này theo nhiệm kỳ, thậm chí có thể luân phiên và tổng kết luật thì khi đó mới xác định xu hướng lâu dài. Trước mắt chưa nên mở rộng tuổi cũng như nhiệm kỳ. Trong giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt là cổ phần hóa dần đang có tình trạng hình thành các đế chế đại học. Bây giờ họ đưa con em, người nhà cài cắm hết vào tất cả các vị trí để khi về hưu thì yên vị, người ta vẫn hoàn toàn giữ vị trí "thống chế", "lãnh chúa" của đại học đó. Vậy thì luật này phải không cho phép và 2 nhiệm kỳ phải thay đổi.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cũng cho biết mô hình ĐH vùng cũng không được nhiều trường ĐH ủng hộ.
"Nhiều trường muốn thoát ly bởi sự "quản lý" của ĐH vùng và cho rằng thêm cấp "quản lý" chỉ trói buộc sự tự chủ, chủ động của các trường"- ông Do nói.
Về mô hình và hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra, là mô hình gồm ĐH của các trường ĐH và trên nguyên tắc tổ hợp các trường ĐH thành các tổ hợp ĐH lớn hơn. Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn việc phải giải quyết thấu đáo mô hình trường trong trường đang áp dụng hiện nay.
Trước băn khoăn của ĐBQH và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm UBVH, GD, TN, TN-NĐ Phan Thanh Bình nhấn mạnh yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các ĐH phải năng động, cạnh tranh hơn, mức độ cạnh tranh thậm chí phải với cả quốc tế.
Xu hướng khác của giáo dục ĐH là đa lĩnh vực, thậm chí đến trường y giờ cũng không còn phải là chuyên ngành đào tạo độc lập nữa mà cần thiết phải đứng trong một tổ hợp. Vì thế các trường ĐH đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp như thế.
GS Phan Thanh Bình dẫn ví dụ Philippines đã có ĐH Quốc gia với 17 trường ĐH thành viên. Nhật Bản cũng đã hình thành Tập đoàn ĐH Quốc gia để giải quyết những bài toán lớn đặt ra ở tầm quốc gia.
"Phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra thích hợp cho xu hướng và mục tiêu này"- ông Bình nói.
Không khống chế trần học phí ĐH làm khó con nhà nghèo...
Luật GDĐG dự kiến được thông qua vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 10-2018).
Liên quan đến học phí và các khoản thu dịch vụ khác, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giữ quy định về học phí là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở giáo đục ĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở giáo dục ĐH công khai mà không xác định mức trần học phí. Đồng thời, quy định học phí là một khoản thu của cơ sở giáo đục ĐH, độc lập với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
UBVH, GD, TN, TN-NĐ, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến băn khoăn, khi thu nhập bình quân xã hội còn thấp, chưa hoàn thiện được hệ thống quỹ tín dụng sinh viên (của cả nhà nước và tư nhân) cũng như cơ chế lập quỹ tài chính hỗ trợ học bổng, phát triển nhà trường, thì việc không quy định mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập có thể khiến cho cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH của một bộ phận người học có khó khăn, đặc biệt là ở một số ngành có sức hút lớn (như y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng,…).
Tuy nhiên, về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng trong cơ chế tự chủ thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết, các trường tự cân nhắc để tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học.
Hơn nữa, cơ chế thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập cũng sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật (dự kiến sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết theo quy định của Luật Giáo dục).
Bình luận (0)