Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo nghị định này, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đủ 5 năm được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Tiếp thêm năng lượng
Nghị định có hiệu lực từ ngày ký ban hành (1-8-2021). Trước đó, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đã được thực hiện theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 nhưng khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 thì giáo viên (GV) không còn được hưởng phụ cấp thâm niên. Với nghị định mới, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được áp dụng từ ngày 1-7-2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.
Thầy Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), chia sẻ trước đây, khi thông tin GV sẽ bị mất phụ cấp thâm niên kể từ khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, hầu hết GV đều rất tâm tư, vì không biết chế độ tiền lương mới thế nào nhưng các khoản phụ cấp đã bị cắt hết. Tuy nhiên, tại TP HCM, trong thời gian chờ đợi hướng dẫn chính thức từ các bộ - ngành liên quan về thực hiện chế độ tiền lương đối với nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019, các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương, trong đó có chế độ thâm niên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định hiện hành.
Giáo viên được tiếp thêm năng lượng trước thềm năm học mới từ quy định về phụ cấp thâm niên (Ảnh: TẤN THẠNH)
Theo thầy Sơn, cho đến nay, quy định của Chính phủ tiếp tục cho nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên sẽ là niềm vui với GV. Qua đó có thể thấy được sự coi trọng và ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các nhà giáo trong sự nghiệp trồng người. Đồng thời, thấy được sự sâu sát, quan tâm rất lớn về chăm lo đời sống của GV trong những năm trở lại đây và sắp tới. Với sự quan tâm động viên, chia sẻ về mặt tinh thần, vật chất của lãnh đạo các cấp đối với đội ngũ nhà giáo cũng tạo động lực rất lớn cho những nhà giáo như chúng tôi càng nỗ lực, tâm huyết, gắn bó hơn với nghề.
Theo bà Phạm Thúy Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 4, thời gian qua, khi tiếp nhận thông tin GV sẽ không tiếp tục hưởng phụ cấp thâm niên khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, thật sự nhiều GV đã rất buồn, nhưng khi biết được nghị định mới vẫn giữ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo thì thầy cô như vỡ òa, nhất là giai đoạn dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Nghị định ra đời như tiếp thêm nguồn năng lượng để đội ngũ GV tiếp tục đứng vững và cống hiến.
Lợi thế cho giáo viên lớn tuổi
Thầy Phan Thế Hoài - GV Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM - chia sẻ: "Hay tin nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp cảm thấy rất vui. Bởi thời gian qua, một số địa phương trên cả nước cắt thâm niên nhà giáo khiến thầy cô không khỏi buồn lòng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác giảng dạy".
Cô Lê Thị Hà, GV Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho rằng phụ cấp thâm niên là một lợi thế cho giáo viên lớn tuổi tăng thêm thu nhập hằng tháng. Hơn nữa, nó cũng giống như một khoản phụ cấp lương kinh nghiệm của một số ngành nghề khác.
Nghề giáo đòi hỏi GV phải có kinh nghiệm về nhiều mặt như: kiến thức, tâm huyết, sự am hiểu về tâm lý học sinh, phải không ngưng học hỏi..., đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0, người giáo viên lại cần phải có kinh nghiệm về đời sống tình cảm, hiểu được tâm lý học sinh và phụ huynh để cùng nhau giáo dục các em qua nhiều phương pháp. Dạy học sinh không phải chỉ sử dụng kiến thức mà nó đòi hỏi phải có kinh nghiệm trong cuộc sống để uốn nắn các em từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau. "Khoản phụ cấp thâm niên đó thật là xứng đáng cho những GV yêu nghề, thương học sinh và dạy bằng cả cái tâm của mình" - cô Hà nói.
Giảm bớt khó khăn
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng giáo viên ở TP HCM lâu nay vẫn được hưởng khoản phụ cấp thâm niên tùy theo số năm công tác. Theo thầy Chính, vì đặc thù lương giáo viên thấp, chỉ hưởng theo hệ số nên nếu không có các khoản phụ cấp khác thì quả thật rất khó khăn cho các nhà giáo.
Bình luận (0)