Ngày 24-3, ông Nguyễn Thanh Sơn, một phụ huynh có con tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019 (VISEF 2019) diễn ra từ ngày 9 đến 12-3 tại Hà Nội, cho biết ông cùng với một số phụ huynh học sinh vừa gửi đơn kiến nghị tới các cấp, ngành trung ương phản đối kết quả thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đối với một số dự án cuộc thi này.
"Trong đơn kiến nghị, chúng tôi khẳng định cuộc thi VISEF 2019 "có vấn đề". Phụ huynh học sinh cũng chứng minh Ban tổ chức (BTC) đã trao giải cho các công trình, dự án không tương xứng, không có điểm mới, sao chép ý tưởng (những vấn đề bị cấm trong thể lệ cuộc thi)"- ông Sơn nói.
Phụ huynh Nguyễn Văn Tuấn (có con là học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng) dẫn chứng có tới 9 dự án đoạt giải nhất bị trùng lặp với những nghiên cứu đã được công bố trước đây, theo quy chế cuộc thi, lẽ ra sẽ bị loại hoặc trừ điểm…
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia liên tục bị phán ánh trao giải không tương xứng
Trước kiến nghị của phụ huynh học sinh, ngày 22-3, Bộ GD-ĐT có văn bản số 1148 trả lời phụ huynh học sinh nhưng rất ngắn gọn. Văn bản nêu, sau khi có kiến nghị của phụ huynh học sinh, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định dự án tham gia cuộc thi năm học 2018 - 2019 gồm các nhà khoa học có uy tín về lĩnh vực cơ khí. Văn bản nêu lên các căn cứ đánh giá về một số dự án và kết luận kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định đối với các dự án là phù hợp với kết quả đánh giá của ban giám khảo cuộc thi.
Ngay sau khi nhận được văn bản số 1148, một số phụ huynh học sinh đã phản ứng gay gắt, gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng. Phụ huynh Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị: "Tôi rất bức xúc về cách trả lời kiến nghị của Bộ GD-ĐT. Có những nội dung chúng tôi kiến nghị thì họ lại không trả lời, có nội dung kiến nghị một đằng, trả lời một nẻo".
Trong đơn kiến nghị, các phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc thành lập hội đồng cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại đề tài này không hề được nói đến trong các thông báo công khai. Hội đồng thẩm định là những giám khảo nào, có thực sự độc lập và khách quan cũng không được Bộ GD-ĐT công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh.
Các phụ huynh này cũng cho biết thêm, tiêu chí chấm điểm bao gồm: Câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu: 10 điểm; Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu: 20 điểm; Tính sáng tạo: 20 điểm; Gian trưng bày: 10 điểm; Trả lời phỏng vấn: 25 điểm…
Tuy nhiên, quá trình thẩm định lại đề tài chỉ dựa vào hồ sơ dự án (tổng 45 điểm). Những tiêu chí quan trọng như: Tính sáng tạo của đề tài, gian trưng bày (các thiết bị, mô hình và mô phỏng của dự án kỹ thuật, cách thức hoạt động và khả năng thực tế của sản phẩm…) và trả lời phỏng vấn (sự hiểu biết về cơ sở khoa học, sự giải thích và hạn chế của dự án, sự thừa nhận khả năng tác động về khoa học, xã hội hoặc kinh tế…) lại bị lược bỏ.
"Việc đánh giá, thẩm định đề tài chỉ với nửa non số điểm 45/100, hoàn toàn thiếu sự chính xác, tính khách quan và vi phạm quy chế đánh giá theo quy định"- phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn nói.
Trong kiến nghị, các phụ huynh đã nêu rõ một số đề tài đã vi phạm quy chế về những vật không được phép trưng bày tại cuộc thi. Hơn nữa, có 5 dự án đạt giải nhất, 13 giải nhì và 4 giải ba, có đề tài trùng lặp về mặt giải pháp, kết quả với những nghiên cứu, sản phẩm thị trường đã công bố, hoàn toàn không có tính mới, tính sáng tạo. Tuy nhiên, các dự án này vẫn được hội đồng thẩm định phê duyệt cho đủ điều kiện tham gia dự thi, thậm chí đạt giải cao trong cuộc thi khoa học lớn nhất toàn quốc dành cho học sinh. Tuy nhiên, toàn bộ những kiến nghị này không được Bộ GD-ĐT đề cập đến.
Bình luận (0)