Dự thảo chương trình tổng thể của bộ chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến tối 12-4 đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Tăng áp lực học hành
Tại hội nghị đóng góp ý kiến được Viện Khoa học Giáo dục tổ chức ngày 13-4 ở Hà Nội, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết ông không nhất trí với cách xác định các môn học bắt buộc của dự thảo. Chuyên gia này cho hay ông không biết dự thảo dựa trên cơ sở nào để đưa ra các môn học bắt buộc đối với lớp 11, 12 gồm giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm sáng tạo bên cạnh toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Theo TS Tiến, giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung trong phạm vi nghĩa vụ quân sự, như vậy hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Giáo dục thể chất cũng như giáo dục nghệ thuật nên dành cho các hoạt động câu lạc bộ phù hợp với sở thích và năng khiếu của từng cá nhân. Hoạt động sáng tạo thì phải được coi là hoạt động nhất thiết phải có trong từng môn học.
“Tôi thấy cách lựa chọn trước đây về các môn học bắt buộc là ngữ văn 1, toán 1, công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ 1 là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế” - TS Tiến nói.
Học sinh THPT tại TP HCM đang làm thí nghiệm hóa họcẢnh: Tấn Thạnh
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT WellSpring, Hà Nội, cũng lo lắng khi dự thảo đưa ngoại ngữ 2 là môn tự chọn cho học sinh ngay từ lớp 10. Theo ông Đại, hiện nay các trường THPT chưa đáp ứng được việc giảng dạy nhiều ngoại ngữ vì thiếu đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất trường học. Thực tế là ở một số trường THPT có dạy thêm ngoại ngữ 2, học sinh lựa chọn rất ít.
Một giáo viên của Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội (một trong những trường được phép dạy 2 ngoại ngữ) cho hay hầu hết học sinh chỉ học được 1 ngoại ngữ, chất lượng học tập ngoại ngữ 2 của các em đa phần là không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều em đăng ký chỉ với hình thức đối phó như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên thực sự là sự lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian. “Việc dạy 2 ngoại ngữ cùng lúc bắt đầu từ cấp THCS có thể khiến áp lực học hành đối với học sinh nặng nề hơn” - giáo viên này lo ngại.
Hoài nghi tính hiệu quả của các môn học
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, cho rằng về bản chất chương trình không có thay đổi bởi những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay chưa được chạm đến. Ông Đạt cũng cho rằng các khái niệm về môn học như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa... rắc rối và khó hiểu. “Vấn đề đáng ra rất đơn giản mà thành phức tạp. Ví dụ các môn “bắt buộc có phân hóa”, nghĩa là không bắt học cả môn mà chỉ bắt buộc một số phần của môn, vậy nên gọi là “bắt buộc một phần” - ông Đạt cho hay.
Theo hiệu trưởng này, nếu lướt qua thì dự thảo giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần, vậy là như nhau. Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 6 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và 3 môn tự chọn bắt buộc nữa là 9 môn. “Số môn nhiều như vậy lại như cũ. Học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả. Theo tôi, 2 năm lớp 11, 12 chỉ học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác. Tôi không hình dung được chân dung học sinh mới vì chưa thấy có thay đổi gì đột phá, chắc vẫn như cũ thôi. Tôi thấy thất vọng!” - ông Đạt bày tỏ.
GS Nguyễn Lân Dũng, Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng ông đủ cơ sở để hoài nghi hiệu quả thực sự của 2 môn học giáo dục lối sống và giáo dục công dân ở bậc THCS cũng như sự tích hợp vào các môn khoa học khác. Ông cũng cho biết thiếu tin tưởng vào kết quả của việc giảng dạy môn công nghệ và hướng nghiệp ở bậc THCS và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. “Đó là những nội dung khó và ta chưa có kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo. Bao giờ có sách giáo khoa đáng tin cậy cho các môn này? Ai lo đào tạo giáo viên phụ trách công việc khó khăn này? Vậy từ năm 2018 đã có triển khai được hay chưa và nếu chưa thì triển khai từ năm nào?” - GS Dũng băn khoăn.
ThS Đặng Danh Hướng, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội, cũng cho rằng việc thực hiện chương trình tổng thể mới trong năm học 2018-2019 là quá sớm, trong khi công tác đào tạo giáo viên chưa thể đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Mơ hồ về đánh giá phẩm chất, năng lực
ThS Đặng Danh Hướng cho rằng chương trình hướng tới người học phải đạt các phẩm chất (như nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật…) và các năng lực cốt lõi (tự chủ, hợp tác, sáng tạo….) nhưng việc cụ thể hóa những phẩm chất, năng lực vào các bài học, môn học mới như thế nào mới đạt yêu cầu thì dự thảo chưa nhắc đến.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay theo dự thảo thì mục tiêu đánh giá là đánh giá về mức độ đạt chuẩn của chương trình, căn cứ đánh giá là dựa vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, dự thảo không thấy quy định chút nào về phẩm chất năng lực cũng như không có quy định nào về các yêu cầu cần đạt.
Bình luận (0)