Do thời lượng có hạn, chương trình kết thúc lúc 10 giờ 30. Sau chương trình, những học sinh có thắc mắc gặp riêng các thầy cô ban tư vấn để được giải đáp thêm. Ngoài ra, các phiếu câu hỏi của các thí sinh sẽ được trả lời trên Báo Người Lao Động trong thời gian tới, mời các em đón xem. Chương trình tiếp theo diễn ra tại Khánh Hoà và Ninh Thuận vào ngày 22 và 23-3 tới, Báo Người Lao Động Online tiếp tục tường thuật trực tuyến.
Đại diện đơn vị tài trợ - Công ty CP Phân bón Bình Điền - trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi
* Ngành kỹ thuật điện tử truyền thông có thích hợp với con gái?
- ThS Võ Văn Phòng, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng: Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nãng có đào tạo ngành kỹ thuật điện tử truyền thông (tên cũ là kỹ thuật điện tử viễn thông). Ngành này đào tạo kỹ sư thiết kế điện tử trong các lĩnh vực, chế tạo vi mạch, có tính ứng dụng lớn nên các em tốt nghiệp ngành này cơ hội việc làm rất cao. Ngành này cũng phù hợp với nữ trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng điện tử trong chế tạo ô tô và được hãng Intel bảo trợ việc làm (tuyển dụng sinh viên năm 3 đạt yêu cầu).
*Thưa thầy cô, có phải học ngành quản trị kinh doanh chỉ để mở doanh nghiệp không?
-ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing: Quản trị kinh doanh là ngành đi đầu khối kinh tế tổng hợp. Hầu hết các trường giảng dạy về khối kinh tế và một số trường dạy khối kỹ thuật đều đào tạo ngành này. ĐH Tài chính Marketing là một trong những trường đào tạo quản trị kinh doanh, trong đó có 4 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị bán hàng, quán lý kinh tế, quản lý dự án. Ngành quản trị kinh doanh có chương trình đào tạo linh hoạt, có thể làm nhiều mảng công việc trong các doanh nghiệp vừa và lớn ở trong lẫn ngoài nước. Về câu hỏi của em, đúng là học ngành quản trị kinh doanh ra cũng để mở doanh nghiệp. Đất nước cần những doanh nghiệp như thế để phát triển, vậy tại sao các em lại không nghĩ rằng mình sẽ trở thành những doanh nhân trẻ để giúp ích đất nước?
ThS Nguyễn Hữu Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng
* Em muốn dự thi vào ĐH FPT thì thi những môn gì và ngày nào? Em nghe nói học ngành công nghệ thông tin của trường ra trường sẽ được làm ở Công ty phần mềm FPT. Điều này đúng không ạ?
- ThS Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc cơ sở ĐH FPT tại Đà Nẵng: Điều kiện để trở thành sinh viên của trường là các em phải dự kỳ thi sơ tuyển riêng vào trường diễn ra vào 13-4-2014 rồi thi ở trường khác, lấy kết quả xét tuyển vào trường. Đề thi riêng gồm 2 phần: Trắc nghiệm tư duy logic và viết bài luận. ĐH FPT ở Đà Nẵng chỉ tuyển sinh và đào tạo duy nhất ngành công nghệ thông tin. Khoá sắp tới, FPT Software sẽ được nhận 400 sinh viên tốt nghiệp, thu nhập khá (khoảng 90-200 triệu/năm)..
* Em muốn thi vào ngành đầu bếp, vậy em có thể thi trường nào?
- Thầy Lê Văn Cúp, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Ẩm thực cũng là một môn nghệ thuật, nó phát triển cùng với du lịch. Hiện nay, nước ta đang chủ trương phát triển du lịch nên lượng khách trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, các nhà hàng, khách sạn cần nhiều nhân lực có kiến thức chuyên sâu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có đào tạo ngành quản trị nhà hàng và nhà bếp, các em có thể đăng ký thi hoặc xét tuyển. Theo học ngành này, các em được học về cách thực hiện các món Á, Âu, truyền thống cũng như hiện đại, có thể bếp phó, sau đó lên bếp trưởng ở các khách sạn 3 sao trở lên.
* Em dự định thi ngành thiết kế nội thất khối H1 vào một trường năng khiếu nhưng vẫn muốn thi khối D của kỳ thi 3 chung. Vậy em có thể dự thi cả hai khối được không?
- TS Phùng Xuân Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng: Các trường có khối thi H1 đa số là những trường năng khiếu. ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có hai ngành thiết kế đồ họa và thiết kế nội thất tổ chức thi khối này. Hiện nay, các trường thi riêng đã đề nghị thi khối H1 cùng đợt 2 của kỳ thi chung nên các em cố gắng theo dõi. Do đó, em không thể thi khối D nếu dự thi khối H1 do hai khối này diễn ra cùng đợt, thi cùng đề. Em có thể đăng ký nhiều bộ hồ sơ nhưng chỉ được phép chọn một hồ sơ để dự thi.
* Em được biết sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, nhiều cử nhân phải lên vùng sâu, vùng xa 5-7 năm mới được xuống đồng bằng. Nếu em học ngành sư phạm thì liệu có thể "xuống núi" sau vài năm "ở trên núi" không?
- TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng: Qua nhiều năm dạy học tại các trường THPT như THPT Chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn... tôi đồng cảm với các thí sinh về việc chọn ngành, nghề. Sinh viên ra trường khó tìm việc làm là vấn đề chung và xã hội đang tìm các giải quyết vấn đề này. Ngành giáo dục nước ta đang trong tình trạng thừa-thiếu. Thừa ở những vùng đồng bằng, thành phố nhưng thiếu giáo viên ở các trường miền núi, vùng sâu vùng xa nên em cần hiểu để chia sẻ điều này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm được công việc đúng với nguyện vọng của mình, em hãy cố gắng học tốt, sẽ tìm được việc làm thích hợp.
ThS Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc cơ sở ĐH FPT tại Đà Nẵng
*Em muốn biết thêm về chương trình tiên tiến ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng và du lịch của ĐH Duy Tân?
- ThS Nguyễn Hữu Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng: Chương trình quản trị kinh doanh và kế tonas của PSU (Đại học Bang Pennsylvania) ở ĐH Duy Tân có chương trình gốc xếp thứ 44 trong bảng các đại học nghiên cứu và đào tạo đến bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ ở Mỹ. Chương trình đã được kiểm định bởi tổ chức AACSB. Sinh viên học ngành này không phải ra nước ngoài, với tài liệu cập nhật theo phương pháp hiện đại, được cấp từ 18 đến 14 chứng chỉ môn học có giá trị quốc tế của PSU. Ngoài ra, các em có thể chuyển sang học và lấy bằng ĐH ở PSU sau 1 hoặc 1 năm học ĐH Duy Tân. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tham gia thị trường lao động quốc tế.
* Điểm sàn năm nay được tính như thế nào? Sinh viên tốt nghiệp xong thất nghiệp, lỗi do ai?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Năm nay, Bộ GD-ĐT ngừng xét điểm sàn. Để biết vì sao Bộ ngừng xét điểm sàn, các em cần biết vì sao có điểm sàn. Tuyển sinh 3 chung được thực hiện từ năm 2003. Những năm đầu thực hiện kỳ thi 3 chung không có điểm sàn. Vì thế, nhiều trường ĐH xét tuyển với điểm số quá thấp. Để chặn tình trạng này, năm 2004, Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm sàn tính theo chỉ tiêu từng vùng miền, khối thi nhằm buộc những thí sinh dưới mức sàn vào các hệ đào tạo không sử dụng kết quả thi ĐH. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, phương pháp này bộc lộ nhiều nhược điểm như nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù hằng năm có 2.100.000 bộ hồ sơ thi ĐH-CĐ được nộp mỗi năm, trong đó có 1.250.000 hồ sơ bậc ĐH, 200.000 hồ sơ bậc cao đẳng và 1,4 triệu thí sinh có điểm thi.
Năm nay, điểm sàn được thay thế bằng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào: Có thể tính mức điểm liệt cho từng môn, sau đó kết hợp số điểm đó và đưa ra điểm sàn chung từng khối thi.
Về việc học xong thất nghiệp, có nhiều nguyên nhân: Do các em học kém, chương trình đào tạo không phù hợp yêu cầu doanh nghiệp hoặc do các em không chịu tìm việc làm... Không có câu trả lời chính xác về điều này. Do đó, sinh viên cần trang bị trang bị kiến thức, kỹ năng khác ngoài chuyên môn để dễ dàng giải quyết các vấn đề khi ra trường. Nhiều người không làm đúng chuyên môn vẫn hoàn thành công việc tốt nhờ những kiến thức này. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang khó khăn nên thất nghiệp là tình trạng chung. Nếu các em đủ năng lực khẳng định bản thân, chuyện tìm việc làm là không khó.
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
Các thí sinh địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tập trung tại Hội trường Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Quảng Ngãi
* Trong khi bạn bè chán môn sử, em lại vô cùng yêu thích môn học này. Gia đình cho rằng không ai sống được với ngành học liên quan môn sử và khuyên em ngành liên quan công nghệ thực phẩm. Em muốn biết hai ngành này có điểm nào giống nhau?
- PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Lịch sử là môn học rất tốt và bổ ích, bổ trợ kiến thức tổng hợp cho mỗi người. Học lịch sử, các em có được nhiều kinh nghiệm sống, trong đó có lĩnh vực thực phẩm như: Xưa ông bà ta có nhu cầu ăn no, tiếp đến là ăn ngon và giờ là ăn sạch. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM có đào tạo những ngành liên quan thực phẩm, sinh viên tốt nghiệp dễ dàng xin việc, thu nhập khá, cả bậc ĐH và CĐ. Trường chúng tôi cũng nghiên cứu, đào tạo các lĩnh vực đánh giá đường, sản xuất sữa... Đây là những ngành Quảng Ngãi phát triển và cần nhân lực.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM trao đổi với các thí sinh về nguyện vọng
* TƯ VẤN TRỰC TIẾP:
Tiếp đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM cho biết công tác tư vấn, hướng nghiệp trên ghế nhà trường, kể cả trên giảng đường ĐH được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Sau khi phỏng vấn nguyện vọng 3 học sinh, thầy kết luận trước khi lựa chọn ngành nghề, các thí sinh nên trả lời các câu hỏi: Bạn là ai, bạn phù hợp nghề nghiệp nào, bạn chọn ngành nào để theo đuổi nghề đó và chọn trường nào phù hợp năng lực của mình?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, lưu ý các thí sinh những điểm mới
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM cho biết ngày mai (17-3), các em bắt đầu nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ. Những thông tin cần thiết về tuyển sinh đã có, tuy muộn. Thầy lưu ý phương thức thi các môn, xét tuyển gồm: Thứ nhất, năm nay, tất cả các thí sinh không trúng tuyển NV1 đều được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ (có đóng dấu đỏ của trường) để tham gia việc xét tuyển, thời gian xét tuyển năm nay đến 31-10, các trường thiếu chỉ tiêu có thể kéo dài đến 15-11, thứ hai là những điều chỉnh về ưu tiên khu vực, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện nhà tài trợ, ban tư vấn và Nhà Văn hoá lao động tỉnh Quảng Ngãi
Ông Võ Lê Duy Lâm, Trưởng Phòng Kinh doanh thị trường Công ty CP Phân bón Bình Điền Quảng Trị (Công ty CP Phân bón Bình Điền)
Đại diện công ty CP Phân bón Bình Điền, ông Võ Lê Duy Lâm, cho biết sau nhiều chương trình mang tính nhân văn cao mà công ty thực hiện, năm 2014, lần đầu tiên công ty đồng hành cùng Báo Người Lao Động qua chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2014". Đại diện nhà tài trợ nói rằng công ty vinh dự khi được đóng góp một phần vào hành trang tương lai của trí thức trẻ cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Dương Văn Quang, đại diện Báo Người Lao Động, hy vọng với đội ngũ nhà giáo kinh nghiệm, chương trình sẽ là hành trang giúp các em tìm con đường đi đúng đắn cho tương lai.
Ngoài ban tư vấn, chương trình còn có sự tham gia của ông Dương Văn Quang - đại diện Toà soạn Báo Người Lao Động, bà Võ Thị Kim Ngân - Trưởng Văn phòng đại dện Báo Người Lao Động tại Đà Nẵng, ông Võ Lê Duy Lâm, Trưởng Phòng Kinh doanh thị trường Công ty CP Phân bón Bình Điền Quảng Trị (Công ty CP Phân bón Bình Điền) cùng đại diện Nhà Văn hoá Lao Động Quảng Ngãi.
Chương trình với sự tham gia của đông đảo học sinh đến từ các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và được Đài truyền PT-TH Quảng Ngãi tường thuật trực tiếp.
Ban tư vấn chương trình gồm:
-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
-TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM
-ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing
- Trần Anh Hoàng, Trưởng Phòng tuyển sinh Trường Quốc tế PSB
- Thầy Lê Văn Cúp, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
- ThS Võ Văn Phòng, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng
- TS Phùng Xuân Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng
- TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng
- ThS Nguyễn Hữu Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng
- ThS Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc cơ sở ĐH FPT tại Đà Nẵng
- ThS Nguyễn Thế Tranh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng
- TS Huỳnh Trọng Dương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam.
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)