Câu hỏi "Ông ấy đâu phải thầy giáo sao lại chào?" vẫn len lỏi những vô vàn bình luận. Điều đó chứng tỏ rằng không phải ai cũng biết "kính trên nhường dưới", biết giá trị của lời dạy "lời chào cao hơn mâm cỗ".
Hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận về hành động của các em học sinh đã đặt ra một câu hỏi thú vị cho chúng ta: Tại sao hành động cúi chào người lớn của các em lại trở nên lạ, hiếm, quý như thế? Câu trả lời nằm trong chính cách ứng xử của chúng ta và mọi người xung quanh.
Chúng ta luôn muốn con cái mình trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, được thầy yêu bạn mến. Nhưng đôi khi chúng ta quên mất một điều đơn giản: Muốn con trẻ biết thưa gửi, bản thân mình phải biết "dạ", "vâng". Muốn con trẻ biết tri ân, người lớn phải biết "cảm ơn". Muốn con trẻ biết hối lỗi, bố mẹ phải biết nói lời "xin lỗi". Muốn con trẻ ngăn nắp, người lớn phải làm gương.
Những điều bình thường ấy đang bị lãng quên từ lúc nào. Bởi vậy, khi cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt theo mẹ nhặt ve chai dừng lại xếp giày dép các bạn ngay hàng thẳng lối, mọi người ồ lên kinh ngạc và không ngớt ngợi khen. Khi em học sinh Nguyễn Thế Tùng (THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) để lại lời xin lỗi làm vỡ kính xe ô tô, dư luận dậy sóng vì hành động trung thực, dũng cảm nhận lỗi của em.
Và giờ thì những cô cậu học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ tiếp tục đánh thức một nét đẹp ứng xử khác của người Việt. Đó là văn hóa chào hỏi. Một câu chuyện bình thường lại chạm đến trái tim của nhiều người. Bởi đôi khi người ta vì cuộc sống bộn bề, vì tính xuề xòa trong ứng xử, vì nếp nhà giáo dục chưa nghiêm mà vô tình hoặc cố ý bỏ qua những điều bình thường lại quý giá vô cùng.
Những người thầy dưới mái trường Lê Hồng Phong và cha mẹ các em đã tạo nên những đứa trẻ có nhân cách đẹp. Từ đây, các em sẽ mang theo hạt mầm tử tế gieo khắp nơi, nhân lên những điều tốt đẹp, thiện lương trong cuộc sống này.
Không trường học nào không dạy các em về những bài học làm người. Nhưng lý thuyết đang bị thử thách bởi chính hành động thực tế, trần trụi trong gia đình và cộng đồng. Năng lực phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, kỹ năng "gạn đục khơi trong" trong con trẻ còn nhiều khiếm khuyết. Bởi vậy, các con rất cần sự đồng hành, kiên nhẫn của cha mẹ, thầy cô trên con đường hình thành nhân cách.
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng, mỗi ngày đều phải rót cho con trẻ một "ly nước" đầy vun của sự tử tế. Khi con bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, thầy cô, "ly nước" sẽ bị sóng sánh và vơi đi ít nhiều bởi sự tác động của ngoại cảnh. Ngay lập tức, chúng ta phải tiếp tục rót thêm "nước" vào "ly" và cố gắng duy trì "lượng nước", duy trì sự tử tế trong mỗi đứa trẻ.
Bình luận (0)