Từ phản ánh của phụ huynh và nhiều giáo viên tại TP HCM về tình trạng thị trường xuất hiện nhiều sách không rõ nguồn gốc, qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhiều sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh không rõ nguồn gốc tràn vào nhà sách. Thậm chí có những bộ SGK vừa được thành phố phê duyệt giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ năm học mới này.
Nhiều sách trùng mã, không thể sử dụng
Ngay khi trường THCS thông báo về bộ SGK sẽ thực hiện giảng dạy trong năm học mới, một phụ huynh tại quận 7, TP HCM đã đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) để mua 2 bộ SGK tiếng Anh lớp 6 và 7 của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP HCM.
Mỗi bộ gồm 2 cuốn i-Learn Smart World Student’s Book và i-Learn Smart World Workbook. Bộ sách này do NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty TNHH Education Solutions Việt Nam (DTP) thuộc Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát phát hành. Tuy nhiên, theo phụ huynh trên, sau khi cào mã trong mỗi cuốn để kích hoạt bản sách mềm (hỗ trợ học phần nghe, nói) thì hệ thống thông báo các mã trên (cả lớp 6, 7)… đã được sử dụng, không thể kích hoạt; không những vậy, cả 2 mã của cuốn Student’s Book và World Workbook lại trùng nhau.
Trước đó, một số giáo viên tại TP HCM cũng phản ánh tình trạng nhiều sách trùng mã, không kích hoạt được. Theo một giáo viên của một trường THCS tại TP Thủ Đức, nhiều phụ huynh do không thể chờ mua sách tại trường nên ra nhà sách đã gặp tình trạng tương tự.
Từ ngày 12 đến 15-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến nhiều nhà sách trong thành phố để tìm mua SGK tiếng Anh nhưng đa số gặp tình trạng sách bị trùng mã và các mã này đều đã được sử dụng. Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận 7), chúng tôi mua bộ SGK tiếng Anh lớp 6 nhưng khi cào lớp tráng bạc để kích hoạt thì mã trùng với sách phụ huynh trên đã mua trước đó. Cẩn thận hơn, chúng tôi vẫn lấy mã trên đăng nhập thì hệ thống thông báo mã đã được kích hoạt và kích hoạt quá số lần cho phép (mỗi mã được kích hoạt 3 lần).
Ngày 14-8, chúng tôi đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ chi nhánh 551ABC Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) mua 2 bộ SGK tiếng Anh lớp 6 và 7 nhưng chỉ có một cuốn lớp 6 kích hoạt thành công. Trong khi đó, 2 cuốn sách lớp 7 - có một cuốn trùng với mã người khác đã mua, tra mã này thì được thông báo đã kích hoạt từ năm 2021; một cuốn phần tráng bạc được dán cẩu thả, khi cào ra không có mã.
Ngày 15-8, tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ - số 219 Bis Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), chúng tôi tiếp tục mua 2 cuốn sách tiếng Anh lớp 6 và 7, kết quả là tiếp tục nhận được mã trùng như các cuốn trước đó, không thể kích hoạt do đã được sử dụng.
Điển hình, mã 413E… của cuốn i-Learn Smart World Student’s Book lớp 6 trùng đến 3 cuốn và đã được kích hoạt từ năm 2021. Mã 758F… của cuốn i-Learn Smart World Workbook lớp 6 trùng đến 4 cuốn và được thông báo đã kích hoạt. Mã 1959… của lớp 7 (cuốn Workbook) trùng 3 lần và cũng được kích hoạt từ tháng 7-2022.
Phụ huynh và học sinh tìm mua sách giáo khoa tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM) trưa 15-8
DTP nói sách giả!
Phản ánh với bộ phận chăm sóc khách hàng của DTP về lý do vì sao sách mới mua (có đầy đủ hóa đơn, thời gian, lớp tráng bạc còn nguyên vẹn trước khi cào) nhưng lại không thể kích hoạt sử dụng? Đồng thời đưa các mã sách mới (mua vào tháng 8-2022) cho phía DTP kiểm tra thì chúng tôi nhận được thông báo có mã được kích hoạt từ tháng 7, có mã từ năm 2021.
Phía DTP khẳng định mỗi cuốn sách do DTP phát hành đều có một mã riêng, tuy nhiên những sách mà lớp tráng bạc còn nguyên nhưng khi cào, mã trùng hoặc đã được kích hoạt đều là sách in lậu hoặc sách giả. Phía DTP cho rằng những sách này in lại từ một sách thật nên mã sẽ trùng với sách đã sử dụng.
Trong khi đó, tại các nhà sách thuộc hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ, đề cập trường hợp mua sách nhưng mã đã được sử dụng, các nhân viên khuyến cáo phụ huynh có thể chụp lại hình ảnh để được giải quyết. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao sách mới, mỗi sách phải có một mã riêng để kích hoạt bản mềm, nếu không thể thì chỉ có thể là sách không rõ nguồn gốc? Các nhân viên này nói: "Không biết chuyện này và cũng không thể trả lời"(!?)
Chiều 15-8, tìm cách liên hệ với quản lý hệ thống nhà sách này, chúng tôi được cho số điện thoại của ông Nguyễn Cường Nam. Tuy nhiên, qua điện thoại, ông Nam cho biết ông chỉ là một trong 2 người trực tổng đài của hệ thống nhà sách và trong hôm nay (16-8), ông sẽ đi kiểm tra thực tế do cũng nhận được phản ánh của phụ huynh. Ông Nam cũng thông tin năm nay sách sẽ do từng nhà sách tự nhập.
Phía DTP cũng khẳng định mỗi cuốn sách họ phát hành chỉ có một mã. Về việc mã sách trong các nhà sách của hệ thống này trùng nhau và đã được kích hoạt từ rất lâu, ông Nam cho biết: "Là đơn vị bán hàng, chúng tôi không biết cuốn sách đó là mã thật hay giả. Bên cung cấp sách hoặc khi phụ huynh mua về cào, quét mã mới biết. Nhà sách bán nhiều khi trà trộn, lẫn lộn này nọ. Chúng tôi phải coi từng đơn vị nhập sách nguồn gốc từ đâu?".
Không chỉ có SGK tiếng Anh?
Giá thành mỗi bộ sách tiếng Anh không hề thấp, một bộ gồm 2 cuốn có giá từ 150.000 đồng trở lên nhưng nhiều phụ huynh điêu đứng vì khi mua xong mới phát hiện những cuốn sách trên không rõ nguồn gốc. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi do SGK tiếng Anh có mã nên còn có thể bị phát hiện. Với những SGK khác, liệu cũng có tình trạng không rõ nguồn gốc hoặc sách nhái tràn vào?
Bình luận (0)