Tại buổi thảo luận trong kỳ họp HĐND TP HCM cuối tuần qua, nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP, cho biết sở đã đề nghị UBND TP và Bộ GD-ĐT chấp thuận cho xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) riêng mang tính đặc thù của TP.
Điều chỉnh cho phù hợp với địa phương
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 14-7, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP, cho biết chủ trương không phải là viết một bộ SGK mới mà chỉ là điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của TP trên cơ sở vẫn giảng dạy theo chương trình khung của bộ. Chủ trương này phù hợp với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng.
Theo ông Hoàng, ý tưởng trên xuất phát từ việc muốn xây dựng một chương trình phù hợp với đặc trưng địa phương, giúp học sinh dễ hiểu và tiếp nhận. “Một số từ ngữ của miền Bắc khi dạy ở TP HCM thì học sinh không hiểu, đơn cử như miền Bắc thì dùng từ tàu hỏa, trong khi học sinh miền Nam lại dùng từ tàu lửa. Bên cạnh đó, nhiều địa danh ở TP rất cần để học sinh biết đến” - ông Hoàng lý giải. Ông Hoàng cho biết thêm nếu được UBND TP và Bộ GD-ĐT đồng ý, việc làm đề án sẽ được giao cho hội đồng chuyên môn lên kế hoạch, lộ trình cụ thể và ít nhất 3 năm mới hoàn thành.
Trên thực tế, từ năm 2013, TP HCM đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK vật lý do Sở GD-ĐT TP biên soạn ở khối lớp 6, 7. Bà Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết trường vẫn đang sử dụng bộ sách này như là sách để cả giáo viên và học sinh tham khảo.
Một giáo viên vật lý cho biết SGK vật lý lớp 6, 7 và đang tiếp tục triển khai ở lớp 8 do Sở GD-ĐT TP cung cấp có giao diện phong phú, in màu, nội dung y như SGK của bộ nhưng có mở rộng ra thực tế. Theo giáo viên này, sách do sở biên soạn dễ hiểu hơn sách của bộ nhưng khá đắt (35.000 đồng/quyển, hơn sách của bộ - chỉ 6.500 đồng).
Chẳng lẽ thay sách hoài!
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, nếu TP HCM có SGK riêng thì các tỉnh, thành khác cũng đòi có SGK riêng, vậy thì phải làm sao? Giáo viên lựa chọn chương trình giảng dạy thế nào để không rối? “Lựa chọn khung chương trình chuẩn, dạy cái gì, học cái gì, học sinh tiếp nhận thế nào mới là quan trọng. Chẳng hạn đề thi mở vừa qua chứng minh không cần phải thay SGK nhưng vẫn được dư luận đồng tình. Mỗi lần thay sách rất tốn kém trong khi điều kiện kinh tế chưa cao. Nếu có SGK riêng thì đề thi tốt nghiệp cũng riêng thì rất khó” - bà Hiền nói.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng xã hội luôn luôn thay đổi, 10 năm sau quay lại đã thấy sách cũ lạc hậu, nếu cứ chạy theo những biến chuyển này thì thay bao nhiêu SGK cho kịp. Vì thế, cần hạn chế thấp nhất việc thay SGK mà cần xây dựng một bộ sách chuẩn và chừa ra những phần mở để cập nhật tình hình thời sự.
Ngoài ra, việc có nhiều bộ SGK cũng dẫn đến lo lắng là nếu không được quản lý chặt chẽ có thể sẽ dẫn đến tình trạng “loạn” SGK. Một giáo viên đặt vấn đề nếu các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK kết nối, trích “hoa hồng” cho nhà trường thì học sinh sẽ bị ép phải mua sách do họ biên soạn.
Khó tránh xin - cho
Tháng 4-2014, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhất trí với chủ trương xây dựng một chương trình nhiều bộ SGK theo dự thảo đề án đổi mới chương trình - SGK của Bộ GD-ĐT. Ủy ban này cho rằng cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng việc xây dựng một chương trình nhiều bộ SGK đặt ra vấn đề là ngoài bộ SGK do Bộ GD-ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ sách khác do các tổ chức, cá nhân biên soạn sẽ được ai phê duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào? “Nếu vẫn là Bộ GD-ĐT thẩm định có thể dẫn đến cơ chế “xin - cho”. Thêm vào đó, việc có một bộ sách “chuẩn” của cơ quan quản lý giáo dục có thể sẽ dẫn đến tâm lý muốn dùng bộ sách của ngành giáo dục cho an tâm. Do đó phải có cơ quan đủ thẩm quyền thẩm định độc lập các bộ sách” - chuyên gia này nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD-ĐT là cơ quan tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK để sử dụng trong cả nước. Trước khi cho phép nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn sách, bộ sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá SGK.
Bình luận (0)