Ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non (MN) Hoa Mai (quận 3), cho biết hầu hết trường MN đều mong ngóng đón học sinh (HS) từ những tháng cuối năm 2021 và mọi công tác đã chuẩn bị sẵn sàng.
Vệ sinh trường học, rà soát đội ngũ
Theo ông Lương Trọng Bình, không chờ đến khi có quyết định của thành phố về việc đón HS MN, mà thực tế ngay từ khi HS các cấp học khác đi học lại, các trường đã chuẩn bị cho ngày mở cửa trường. Nếu thành phố quyết định cho trẻ đến trường ngay ngày mai, nhà trường vẫn chuẩn bị kịp. "Dù có nghỉ do dịch nhưng những công việc như vệ sinh trường học, rà soát, vệ sinh đồ đạc, bàn ghế… cho HS thì nhà trường vẫn duy trì liên tục" - ông Bình thông tin.
Trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng nhiều trường MN cho biết các trường đang rà soát lại đội ngũ giáo viên (GV), nhân viên để chuẩn bị cho các phương án, sắp xếp lớp học khi HS quay lại. "Vì các em đến trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh nên các trường sẽ căn cứ vào số lượng HS để bố trí" - ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Tân Phú, thông báo.
Theo ông Lương Trọng Bình, ngày 14-1, nhà trường khảo sát lấy ý kiến hơn 300 phụ huynh cả 3 khối mầm, chồi, lá về việc đưa con trở lại trường. "Các lần khảo sát trước, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao nhưng hiện phụ huynh còn băn khoăn về những thông tin như khi đưa con đi học, liệu trường có tổ chức bán trú, ăn sáng? Đặc thù của bậc MN là HS không thể học một buổi như các bậc học khác, bởi phụ huynh đưa đón giữa buổi rất bất tiện và ảnh hưởng sức khỏe của trẻ" - ông Bình cho biết.
Sau học sinh trung học, TP HCM chuẩn bị tổ chức cho học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường. (Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG)
Chuẩn bị 2 phương án dạy học
Nhiều trường tiểu học tại TP HCM cũng khảo sát ý kiến phụ huynh cho con trở lại trường học từ tháng 2-2022 theo lịch của bậc học MN. Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), thông tin qua các đợt khảo sát trước đây, tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường học trực tiếp khoảng 50%. Tỉ lệ này chỉ mang tính tương đối vì phần lớn phụ huynh có tâm lý chờ đợi, thăm dò. "Nếu khi thấy các cấp học khác học tập ổn định thì phụ huynh mới quyết định chính thức. Điều này được chứng minh khi HS từ lớp 7 học tập trực tiếp, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận ngày càng cao" - ông Phong cho biết.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, nếu trong trường hợp thành phố cũng quyết định cho HS tiểu học đến trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh như bậc MN thì các trường vẫn tổ chức phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến đối với trường hợp HS chưa thể đến trường.
"Khi TP HCM được công nhận là "vùng xanh", theo quy định, các trường có thể dạy học trực tiếp 1 buổi mà không cần chia lớp. Như vậy, buổi còn lại, GV sẽ tổ chức ghi hình bài giảng hoặc dạy trực tuyến cho những HS chưa thể đến trường. Hoặc nếu có phương tiện, GV sẽ tổ chức phát trực tiếp bài giảng cho HS" - ông Phong nói.
TP HCM còn 9 trường THPT chưa dạy trực tiếp
Sở GD-ĐT TP HCM cho biết từ ngày 4-1, TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức học tập trực tiếp cho học sinh lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12; riêng quận 4 và huyện Củ Chi tổ chức cho học sinh lớp 7, 8 từ ngày 10-1; số trường tổ chức dạy học trực tiếp rất cao. Cụ thể: bậc THCS là 285/286 trường, tỉ lệ 99,65%. Bậc THPT có 195/204 trường, tỉ lệ 95,59%, còn 9 trường chưa tổ chức, lý do là các trường ngoài công lập, HS chưa trở lại thành phố. Bậc giáo dục thường xuyên: 28/30 đơn vị, tỉ lệ 93,33%, còn 2 đơn vị chưa tổ chức. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, hiện vẫn còn 49 cơ sở giáo dục bậc MN và tiểu học đang được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bình luận (0)