Nghị định 56/2015/NĐ-CP nêu viết sáng kiến kinh nghiệm là điều bắt buộc cho việc phân loại, đánh giá hằng năm của viên chức: "Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận" nên tất cả các giáo viên trong các trường học phải thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc một giải pháp hữu ích.
Câu hỏi đặt ra ra là: Lấy đâu ra mỗi năm một sáng kiến kinh nghiệm?
Qua quá trình lao động, cả một đời con người nhiều khi có được một vài sáng kiến, còn giáo viên hằng năm cứ phải yêu cầu có một sáng kiến thì nảy sinh tiêu cực là điều tất nhiên. Nhất là cấp tiểu học, giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy các môn toán, tiếng Việt nên đề tài sáng kiến rất hạn hẹp, ví dụ như các phương pháp dạy học sinh cá biệt, học sinh yếu kém, giữ vở sạch chữ đẹp, rèn chữ, rèn đọc…
Việc viết SKKN đem lại lợi ích cho bản thân người viết, nâng thành tích của của cá nhân trong cơ quan. Nhưng bên cạnh đó tạo ra những vấn đề tiêu cực như sự bất công bằng trong việc xét thi đua; có thể nói viết SKKN tốn ít thời gian và công sức nhất, có khi mua trên mạng, hoặc đi "vay mượn" từ giáo viên địa phương khác… vậy mà cuối năm vẫn được danh hiệu thi đua cao. Hằng năm, tình trạng này vẫn tồn tại trong phong trào thi viết SKKN, số lượng thì nhiều mà không áp dụng được vào thực tiễn là bao nhiêu, đa phần là viết để đối phó.
Tuy Nghị định 88/2017/NĐ-CP đã có một số sửa đổi về việc xếp loại viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện trên nhưng để được mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có SKKN. Vậy sự thay đổi này liệu có bỏ được việc viết SKKN hằng năm của giáo viên không? Nghị định này chỉ làm giảm áp lực thành tích cho giáo viên trong việc viết SKKN nhưng về việc phấn đấu để đạt danh hiệu "chiến sĩ thi đua" thì SKKN bắt buộc phải có.
Vậy nên, khi nào còn đưa SKKN vào xét thi đua khi đó giáo viên vẫn phải viết SKKN, chỉ khi nào việc xếp danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở để các trường tự quyết định và kết quả SKKN được áp dụng trong danh hiệu thi đua cấp tỉnh trở lên thì khi đó giáo viên mới bớt đi gánh nặng.
Bình luận (0)