Sau hàng loạt phân tích khoa học, nhóm nghiên cứu do GS Jan Kramers thuộc ĐH Johannesburg - Nam Phi hướng dẫn, đã khẳng định rằng mẫu đá thạch anh màu đen được phát hiện trên sa mạc ở Ai Cập là nhân sao chổi.
Mẫu thạch anh này được nhóm nghiên cứu đặt tên là Hypatia, theo tên của một nhà nữ toán học, thiên văn học và triết học cổ đại.
Minh họa vụ nổ do sao chổi đâm vào trái đất - Ảnh Space
Các nhà khoa học cho rằng mẫu đá này có có nguồn gốc từ vụ sao chổi đâm vào trái đất cách nay 28 triệu năm. Theo đó, sao chổi nổ ở bầu khí quyển khiến độ nóng của cát bên dưới lên đến 2000 độ C và tạo ra một lượng mẫu thủy tinh silic màu vàng khổng lồ khắp diện tích 6.000 km2 phía trên sa mạc Sahara.
Một mẫu thủy tinh silic cũng đã được tìm thấy trong vật trang sức của pharaoh Ai Cập cổ đại nổi tiếng Tutankhamen.
Các nhà khoa học này cho rằng sao chổi hầu như chắc chắn đã nhiều lần đâm vào trái đất trong lịch sử của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, trước khi nguồn gốc của Hypatia được xác định, chỉ có những mẫu bụi nhỏ ở thượng tầng khí quyển và mẫu bụi giàu carbon trong băng ở Bắc Cực được xem là chất liệu của sao chổi được phát hiện trên trái đất này.
GS Kramer nhận xét: “NASA và ESA tiêu tốn hàng tỉ USD để thu nhặt một vài microgram chất liệu của sao chổi và mang về trái đất. Hiện nay chúng tôi đã có cách tiếp cận từ nguồn gốc để nghiên cứu chất liệu này mà không phải tốn hàng tỉ USD”.
Phát hiện này sẽ được công bố trên tạp chí Earth and Phanetary Science Letters số sắp tới. Ba đồng tác giả nghiên cứu đã tổ chức buổi thảo luận về nghiên cứu này tại ĐH Witswatersrand ở Johannesburg hôm 10-10.
Bình luận (0)