Dự định bỏ điểm sàn ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm các trường CĐ lo sốt vó, nhất là dự thảo chỉ nêu bỏ điểm sàn ĐH, tức CĐ vẫn có điểm sàn theo dự thảo trước đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo lãnh đạo các trường CĐ nghề, điều này có nghĩa là các trường ĐH sẽ hút hết thí sinh và làm cho các trường CĐ cạn sạch nguồn tuyển. Nhận định này có đúng? Và nếu đúng thì chúng ta cần làm gì?
Cơ hội cho trường CĐ nghề trỗi dậy
Cho đến nay, trong xã hội vẫn phổ biến tâm lý coi ĐH là “oai” hơn CĐ, học ĐH là học làm thầy, làm quan, làm sếp, làm chủ; còn CĐ là học làm thợ. Tâm lý này khiến cha mẹ nào cũng mong muốn con vào ĐH. Chỉ những em không vào nổi ĐH thì mới học CĐ. Với tâm lý đó thì nỗi lo của các trường CĐ về việc không còn người học là có thật.
Một lớp học liên thông tại một trường ĐH ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn vấn đề từ một xu hướng khác. Đó là xu hướng giảm sút lòng tin đối với tấm bằng ĐH. Những năm gần đây, chất lượng đào tạo bậc ĐH đang phải chịu đựng sự phê phán mạnh mẽ của nhiều bên, nhất là trước con số cử nhân thất nghiệp được công bố mỗi quý.
Đó chính là cơ hội để các trường CĐ nghề trỗi dậy. Ngày nay, phụ huynh và học sinh trở nên thực tế hơn nhiều. Họ đã chứng kiến nhiều trường hợp phải giấu tấm bằng cử nhân để làm những việc lao động giản đơn kiếm sống. Có người phàn nàn bức tranh giáo dục ĐH ngày nay đang tạo ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Thực chất là chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ do quá trình đào tạo khiến thầy chưa ra thầy mà thợ cũng chưa ra thợ.
Trong một hệ sinh thái giáo dục sau trung học lành mạnh, ĐH và CĐ đều có chỗ đứng vì nó có sứ mạng khác nhau, phục vụ những mục đích khác nhau và những phân khúc khác của thị trường.
Các trường CĐ cần chủ động thoát ra khỏi lối tư duy truyền thống là ngồi chờ những em không vào được ĐH. Trái lại, họ cần khẳng định mình như là một lựa chọn rất đáng xem xét cho số đông thí sinh, những người có nhu cầu học được một nghề thành thạo để có thể kiếm sống ngay khi ra trường.
Giảm nhẹ lý thuyết, nhấn mạnh thực hành, rút ngắn thời gian đào tạo so với ĐH, học phí thấp, các trường CĐ hoàn toàn có thể khẳng định được thế mạnh của mình so với các trường ĐH, đặc biệt là khi họ gắn với các doanh nghiệp và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của người tuyển dụng.
Nền tảng hữu ích cho bậc ĐH
Hiện nay, nhà nước đã có cơ chế cho liên thông giữa CĐ và ĐH (Thông tư 55/2012-TT-BGD ĐT) tuy chưa có liên thông giữa các trường ĐH. Tuy vậy, trong thực tế có ít học sinh chọn liên thông từ đầu, như một sự lựa chọn cho dài hạn. Để học chương trình liên thông, học sinh vẫn phải thi tuyển đầu vào không khác gì tuyển sinh ĐH. Quy định này dựa trên quan điểm coi liên thông không phải là con đường vòng để có bằng ĐH. Thế nhưng cũng có quan điểm ngược lại, cho rằng nên coi liên thông như một bước chuyển tiếp để vào ĐH, tương tự như sinh viên các nước có thể học CĐ cộng đồng và chuyển tiếp sang học ĐH.
Có lẽ, cả hai quan niệm phủ nhận việc coi liên thông như một bước chuyển tiếp vào ĐH và quan niệm coi liên thông là đường vòng để lấy bằng ĐH đều có chỗ ít nhiều bất cập. ĐH và CĐ có mục tiêu đào tạo khác nhau nhưng cũng có chỗ giao nhau. Có lẽ điều chúng ta mong đợi là trường CĐ có thể đáp ứng nhu cầu rèn luyện tay nghề để có việc làm ngay, còn trường ĐH thì dạy cho người ta tại sao nên làm như thế và liệu có cách làm khác hơn, tốt hơn hay là không, nếu có, hiệu quả và chi phí của nó là gì... Nếu quan niệm phân biệt chức năng như thế thì nền tảng người học có được trong thời gian học CĐ nghề sẽ rất hữu ích cho việc học ĐH.
Hiện nay, chúng ta chưa có liên thông giữa các trường ĐH, tuy đó là thực tiễn phổ biến ở các nước. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách và quy định cụ thể về liên thông giữa các trường nhằm tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh.
Hai vấn đề cần thảo luận
Có hai vấn đề cần thảo luận ở đây: Một là, quan niệm trên đây về việc thi tuyển vào ĐH đối với hệ liên thông đã dựa trên quan điểm coi đào tạo ĐH là tinh hoa, chỉ dành cho một số ít người có năng lực vượt trội và cần kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn đầu vào nhằm bảo đảm đầu ra ưu tú. Điều này ngày nay không còn đứng vững khi giáo dục ĐH trở thành đại chúng hóa và cần cho tất cả mọi lĩnh vực đòi hỏi lao động kỹ năng cao. Hai là, liên thông phải dựa trên cơ sở đối chiếu chương trình đào tạo của từng bậc học để quyết định số thời gian có thể tiết kiệm được.
Bình luận (0)