Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng phát hiện những sai sót trong sách giáo khoa (SGK) lớp 1 là việc làm kịp thời, đáng mừng. Nhưng trong thời gian chờ kết quả rà soát, chỉnh sửa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các đơn vị liên quan thì lúc này hãy phát huy quyền chủ động của giáo viên (GV) trong mỗi bài giảng; không nên phụ thuộc quá nhiều vào sách và khiến học sinh (HS) hoang mang.
Không nên phụ thuộc vào sách giáo khoa
Theo ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Tiểu học - Sở GD-ĐT TP HCM, cần một thời gian dài hơn mới có thể đánh giá chương trình nặng hay nhẹ, kể cả đánh giá trọn vẹn các bộ SGK. Giống như 20 năm trước, lần thay đổi chương trình năm 2000, dư luận cũng phản ứng tương tự với sách mới nhưng rồi mọi việc dần ổn định.
Học sinh lớp 1 tại TP HCM làm quen với sách giáo khoa mới .Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Điệp nhận định với chương trình và SGK cũ, giáo án của GV qua các năm không thay đổi nhiều. Ở mỗi giờ học, GV nắm rõ những phản ứng của HS như tiếp thu dễ hoặc khó với từng bài học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Trong khi với SGK mới, tiết dạy của thầy cô là lần đầu, phản ứng của HS với bài học cũng tương tự. Cả cô và trò đều bỡ ngỡ là điều dễ hiểu. "GV cần bình tĩnh và kiên trì trước những HS yếu. Bởi càng gây áp lực, các em càng chán nản và sợ học. Các em sẽ mang tâm lý này về nhà, gây sự lo ngại cho phụ huynh" - ông Điệp nói.
Lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT tại TP HCM cũng đặt vấn đề quan trọng là phương pháp giáo dục của GV như thế nào? Khi chương trình đã giao quyền chủ động cho GV thì không có lý do gì phải phụ thuộc hoàn toàn vào SGK cả.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết quận có 3/32 trường tiểu học sử dụng bộ SGK Cánh Diều. Trước những thông tin về sai sót trong bộ sách, theo ông Huy, cần có quá trình mới có thể đánh giá được trọn vẹn, kể cả những mặt được và chưa được, vì vậy ít nhất phải xong học kỳ I. "SGK chỉ là một tài liệu tham khảo, quyền chủ động do GV. GV thấy sai thì được quyền điều chỉnh, chưa hợp lý cũng được chủ động, linh hoạt điều chỉnh, thay thế các ngữ liệu. Vì vậy, việc cần làm lúc này là để yên cho HS học tập, không nên khiến các em và phụ huynh thêm hoang mang" - ông Huy nói.
Nhiều cách đánh giá học sinh
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, có thể sẽ tiếp tục có những "hạt sạn" trong bộ SGK này hay bộ khác. Nhưng thay vì hoang mang, chỉ trích thì hãy tìm ra phương pháp nào tốt nhất cho HS lúc này. Giảng viên khoa giáo dục tiểu học một trường ĐH tại TP HCM cho rằng nói đến sách là phải cần chuẩn mực, với sách học thuật yêu cầu về chuẩn mực khoa học cao hơn. SGK càng phải cần chuẩn. Với bộ SGK Cánh Diều, phải thừa nhận có những lỗi, đồng thời một số ngữ liệu đưa vào sách không suất sắc. Vấn đề lúc này nằm ở vai trò của người GV. "Nếu GV thấy có vấn đề, không hợp lý thì giải thích, tìm một ngữ liệu phù hợp khác" - vị này đề xuất.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP HCM cho biết Singapore cũng thực hiện nhiều bộ SGK. Sau khi thẩm định, các bộ sách được xem như nguồn tài nguyên chung, đưa lên mạng để các GV, nhà trường được sử dụng, tham khảo. Trong quá trình giảng dạy, nếu thấy bài học, chủ đề này, bộ sách nào có ngữ liệu hay nhất, tốt nhất cho HS thì GV được chủ động sử dụng, không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào một bộ SGK nào cả. "Hiện nay, ở chương trình mới, trước khi chọn sách, các GV cũng đã tham khảo tất cả bộ sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định. Nói như vậy để thấy trong quá trình giảng dạy, nếu một bài học nào không phù hợp thì có quyền thay thế bằng ngữ liệu khác, ở sách khác. Việc kiểm tra đánh giá tại các trường sẽ theo hình thức không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực của HS. Cho nên việc học sách nào thì GV cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định, cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng HS" - vị này nêu ý kiến.
Nắm bắt tâm lý, năng lực HS
Theo ông Lê Ngọc Điệp, sự đổi mới bao giờ cũng vấp phải những khó khăn, một phần do GV phải thay đổi từ chương trình, giáo án quen thuộc sang chương trình mới. Những phản ứng, đáp ứng của HS với chương trình mới cũng khác hẳn trước đây. Vì vậy, GV và phụ huynh cần hết sức bình tĩnh. HS có thể không nhớ hết bài trong ngày một ngày hai nhưng trong những bài thơ, bài tập đọc tiếp theo, các em sẽ có dịp ôn và nhớ lại.
Cũng theo ông Điệp, GV lớp 1 phải như "người mẹ hiền". Một người mẹ hiền sẽ biết rõ sự khác biệt trong tính nết, năng lực các con của mình. Với đứa con này, cần giáo dục ra sao, đứa con kia cần tác động thế nào để mang lại hiệu quả. Làm nghề GV phải biết tâm lý và cách giáo dục HS, đặc biệt là lớp 1. Không phải hôm nay HS quên âm này, quên tiếng kia, chữ nọ mà con "dốt". Cô cứ bình tĩnh dạy, rồi nhắc các em cách nhớ. Phải luôn luôn biết cách hướng dẫn, biết cách gợi nhớ cho HS.
Nhóm tác giả phớt lờ ý kiến của hội đồng thẩm định
Liên quan đến việc SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều bị cho là có nhiều "sạn", GS-TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt 1, cho biết trong quá trình thẩm định, hội đồng đã làm việc nghiêm túc và cẩn trọng. Tất cả "sạn" như phản ánh từng được phát hiện và đề cập trong quá trình thẩm định sách. Ở một số truyện ngắn như "Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa", "Lừa và thỏ"..., biên bản thẩm định của hội đồng đã chỉ rõ những từ được cho là "sạn" và khuyến cáo nhóm tác giả nên thay các ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác.
Tuy nhiên, GS-TS Mai Ngọc Chừ cho rằng quan điểm của mỗi người khác nhau. Có người này nói truyện ngắn đó dạy trẻ con lừa lọc nhưng tác giả và giáo viên phản biện là truyện dạy trẻ nếu lừa lọc sẽ bị trả giá, học sinh rút ra bài học để không được phép làm theo. Do cách nhận thức khác nhau nên có những cách hiểu và tiếp cận khác nhau.
Theo quy định, việc thẩm định SGK được chia ra 3 mức độ: phù hợp cao, trung bình và không phù hợp (nếu không phù hợp thì bắt buộc phải thay đổi). Theo GS-TS Mai Ngọc Chừ, hội đồng thẩm định có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Với những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng thẩm định chỉ có thể khuyến cáo, còn sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay các tác giả. Ví dụ, hội đồng thẩm định từng khuyến cáo nhóm tác giả về những từ "nhai" và "nhá". Tuy nhiên, nhóm tác giả vẫn dùng từ "nhá" và giải thích rằng trẻ chưa học tới vần "ai" nên không thể dùng từ "nhai". Chương trình Tiếng Việt lớp 1 lại ưu tiên cho việc dạy âm, vần nên khi nhóm tác giả bảo lưu quan điểm, ưu tiên dạy âm, vần thay vì chọn từ ngữ phổ biến, hội đồng thẩm định phải tôn trọng, vì điều đó không sai.
GS-TS Mai Ngọc Chừ cho biết hội đồng đang rà soát lại những phản ánh của dư luận xã hội để có phương án làm việc với Bộ GD-ĐT, nhóm tác giả, chủ biên sách và cả nhà xuất bản để xem xét chỉnh biên cho phù hợp. Nói thêm về thời gian chỉnh sửa sách, phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt 1 cho rằng một cuốn sách mới chỉ dạy được 1 tháng đầu năm học thì chưa đủ căn cứ đánh giá hiệu quả. Cần thời gian 1 năm học mới có thể đánh giá lại chất lượng nội dung.
Yến Anh
Bình luận (0)