Hình và chữ vênh nhau
Ví dụ, bức tranh về gia đình nhưng chỉ có mẹ, không có cha. Tập đọc về ao, hồ, giếng nhưng trong tranh không có… hồ, đôi chỗ còn thể hiện sai nguyên tác… là một trong rất nhiều bất ổn ở cuốn SGK này.
GV một trường tiểu học phân tích: Với trẻ lớp 1 thì việc nhận mặt chữ, luyện viết, tập đọc gắn liền với tranh minh họa. Muốn vậy, tranh ảnh phải nhiều, sống động, rõ ràng, cụ thể để giúp trẻ tiếp thu nhanh, nhớ lâu. Nhiều trẻ chỉ cần nhìn vào tranh là nhớ nội dung bài học và có thể tập đọc, tập viết. Việc sử dụng tranh minh họa ở lớp 1 là rất quan trọng nhưng tiếc là trong SGK tiếng Việt chưa thỏa mãn được những yêu cầu đó.
Bà Bùi Thị Dung, GV lớp 1/1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4 - TPHCM), cho biết: “Phần lớn GV phải sử dụng thêm tranh minh họa bên ngoài để trẻ dễ hình dung và tiếp thu nhanh hơn”. Ở một góc độ khác, một GV phân tích: “Ngành giáo dục đang kêu gọi giảm tải cho GV nhưng riêng chuyện SGK thể hiện chưa đủ, sai sót cũng khiến GV tốn không ít thời gian để làm thêm đồ dùng dạy học, nghiên cứu làm sao để có cách truyền đạt hiệu quả khi thời gian trên lớp có hạn”.
Ngoài số lượng hình ảnh không đáp ứng đủ, nhiều bài học trong sách còn thể hiện độ vênh giữa hình vẽ với nội dung cần truyền đạt. Chẳng hạn, ở bài số 8 (tập 1, trang 18) muốn học sinh nhận ra từ “hè” nhưng bức tranh minh họa lại là cảnh mọi người đang đi…tắm.
Ở bài Vâng lời cha mẹ (bài 53, trang 109), bức tranh lại chỉ có mẹ mà không có cha. “Chẳng khó khăn gì để đưa thêm hình ảnh người cha vào bức tranh để trẻ dễ nhận biết. Hơn nữa, nếu tranh minh họa đầy đủ, GV sẽ có thời gian để mở rộng thêm ý nghĩa, ví dụ ngoài việc phải vâng lời cha mẹ, bé còn phải vâng lời những ai…” - một GV Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp - TPHCM) phân tích.
Viết hoa, viết thườngtùy tiện
Theo các nhà sư phạm, dù đến bài số 28, trẻ mới học về chữ thường và chữ hoa nhưng điều đó cũng không có nghĩa ở các bài học trước đó được phép viết hoa, viết thường tùy tiện. Nên hiểu rằng ở lứa tuổi này, trẻ sẽ ghi nhớ bài học thông qua những ấn tượng ban đầu. Nếu cùng một sự vật, cùng là tên người nhưng chỗ này viết hoa, chỗ khác viết thường sẽ khiến trẻ nhầm lẫn đó là hai sự vật, hai người khác nhau.
Đơn cử, ở bài 27, trang 57 viết: “quê bé hà có nghề xẻ gỗ, phố bé nga có nghề giã giò”. Trong khi đó, ở trang 73, bài 35, ở phần tập đọc lại có đoạn viết hoa: “Buổi tối, chị Kha rủ bé chơi trò đố chữ”. Ở trang 87, bài 42, phần tập đọc có đoạn: “Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ ra bờ suối. Nó thấy bầy hươu nai đã ở đấy rồi”. Trong cùng một ngữ cảnh nhưng viết hoa chữ Cừu nhưng hươu, nai lại không viết hoa, trong khi chúng đồng đẳng trên cùng một đoạn ứng dụng.
Hoặc ở bài 32, tập 1, trang 67 có đoạn: Tập đọc: “Chú Bói Cá nghĩ gì thế? Chú nghĩ về bữa trưa”. Luyện nói: “Sẻ, ri, bói cá, le le”. Cùng là chim Bói Cá nhưng vừa viết hoa vừa viết thường khiến trẻ sẽ nghĩ đó là hai con vật khác nhau.
Một số bài học khác thể hiện cách viết hoa, viết thường không thống nhất: Sáo Sậu với châu chấu, cào cào, Sói và Cừu (bài 43, tập 1, trang 89); chuồn chuồn (bài 50, tập 1, trang 103); Mèo, Chuột (bài 74, tập 1, trang 151). Bên cạnh đó, một số danh từ chung như: Gấu mẹ, Thỏ mẹ, Chuột nhà, Chuột đồng được viết hoa (bài 44, trang 91, bài 75 trang 153, tập 1); trong khi không ít từ chỉ một nhân vật cụ thể trong truyện (chim chích, ngỗng vàng, công) lại vẫn viết thường.
Dễ gây phản cảm
Theo TS Bùi Thanh Truyền, giảng viên Khoa Tiểu học Trường ĐH Sư phạm Huế: Phải có sự nhất quán giữa chữ và hình vẽ trong suốt nội dung chương trình, tránh tình trạng vênh lệch ngay trong nội bộ của hai phương diện này bởi nó sẽ dễ gây ra sự phản cảm, cản trở sự lĩnh hội kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh và sự thiếu đồng thuận từ phía người dạy lẫn người học. Muốn vậy, việc thiết kế hệ thống tranh ảnh cần gọn rõ, đơn giản, không rườm rà, đặc biệt phải gắn liền với nội dung chữ nói riêng, phù hợp với các nội dung dạy học trong chương trình nói chung. Tranh ảnh từng bài phải làm nổi bật yếu tố trung tâm của bài học |
Bình luận (0)