Đã là sách giáo khoa thì mọi sự trình bày trong sách phải mang tính quy phạm cao,
chuẩn mực và chính xác, tuyệt đối không được phép sai phạm bất cứ lỗi gì, cho dù đó là lỗi nhỏ.
Lỗi về văn tự: Lỗi này biểu hiện ở những dạng dùng sai từ, dùng dấu câu tuỳ tiện. Ví dụ: “trước cuộc xâm lược của tư bản Pháp” (LS 11, tr. 154). “Tư bản” là một thuật ngữ kinh tế học, lẽ ra các tác giả phải dùng “chủ nghĩa thực dân”. Ví dụ khác: “hoàn thành thống nhất đất nước” (LS 12, tr. 201).
Cụm từ được diễn đạt ở đây có đến hai động từ “hoàn thành” và “thống nhất”, trong khi thực ra ý của nó chỉ gồm một động từ (“hoàn thành”) và một danh từ chỉ sự việc (“thống nhất đất nước”). Ví dụ về việc dùng dấu câu tuỳ tiện: “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (LS 12, tr. 197). Dấu phẩy được dùng ở đây đã làm lệch ngữ nghĩa của cụm từ, làm như thể “chống Mỹ” và “cứu nước” là hai sự việc khác nhau.
Lỗi phiên âm tên nước ngoài không thống nhất: Sách LS 11 ghi phiên âm tên nước ngoài có dấu gạch ngang ngắn nối liền các âm với nhau, như: “Mi-an-ma”, “Ma-lai-xi-a”, “Xin-ga-po”, “Cam-pu-chia” (xem tr. 19); trong khi sách LS 12 lại ghi phiên âm theo lối không có dấu gạch ngang như thế: “Mianma”, “Malaixia”, “Xingapo”, “Campuchia” (xem tr. 25).
Trích dẫn văn bản mà không ghi nguồn. Trong sách LS 12, các tác giả đã trích dẫn một đoạn văn bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng lại không ghi nguồn. Đây là một lỗi khó chấp nhận đối với bất cứ một công trình khoa học nào, nhất là những công trình có tính quy phạm và chuẩn mực cao như sách giáo khoa. Những lỗi dạng này còn có nguy cơ tiêm nhiễm cho học sinh một thói xấu: thói đạo văn.
Trình bày sự kiện lịch sử theo kiểu nhồi nhét: Ví dụ, trong sách LS 11 khi nói về phong trào Cần Vương, chỉ chưa đầy một trang mà các tác giả đã nhét vào đến… 40 danh tánh của các nhân vật lịch sử (xem tr. 126). Có lẽ đây cũng là một phần nguyên do vì sao học sinh ngán học sử!
Thiết nghĩ, đã là sách giáo khoa thì mọi sự trình bày trong sách phải mang tính quy phạm cao, chuẩn mực và chính xác, tuyệt đối không được phép sai phạm bất cứ lỗi gì, cho dù đó là lỗi nhỏ. Bởi lẽ sách giáo khoa không những là tấm gương soi một nền quốc học mà còn có tác dụng định hình thế giới quan, nhân sinh quan, cụ thể là nuôi dưỡng nhân cách và đào luyện tâm hồn qua việc học cách sử dụng ngôn ngữ dân tộc, cho thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, các nhà biên soạn sách giáo khoa cần lưu tâm những dạng lỗi chúng tôi góp ý trên đây để các sách giáo khoa sau này được chất lượng hơn.
Bình luận (0)