xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Số năm học: Thay đổi làm gì!

Yến Anh

Phương án kéo dài bậc THCS lên 5 năm, giảm bậc THPT còn 2 năm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra đã vấp phải những tranh cãi gay gắt của các chuyên gia

Tại phiên họp thứ 2 năm 2014 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 20-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra dự thảo tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bản dự thảo đặt vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông với 2 phương án cùng những ưu điểm và hạn chế riêng.

THCS kéo dài đến hết lớp 10?

Theo phương án 1, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm tiểu học và 5 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm học.

Bộ GD-ĐT đánh giá so với phương án 9 năm học, thời gian thực hiện giáo dục cơ bản thêm 1 năm nên có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng. Độ tuổi 16 cũng phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản.

 

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận 11, TP HCM) trong giờ học Ảnh: Tấn Thạnh
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận 11, TP HCM) trong giờ học Ảnh: Tấn Thạnh

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng giáo dục THPT trong 2 năm so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng học/lớp để phục vụ dạy học tự chọn. Giáo dục THCS trong 5 năm học (thêm 1 năm) sẽ tận dụng cơ sở vật chất, đồng thời tăng thêm số lớp, số giáo viên của nhà trường, thuận tiện sinh hoạt chuyên môn. Theo Bộ GD-ĐT, thực trạng giáo dục phổ thông hiện nay cho phép thực hiện phương án này.

Phân tích những hạn chế của việc tăng bậc THCS lên 5 năm, Bộ GD-ĐT cho rằng nếu thực hiện theo phương án này, đòi hỏi phải điều chỉnh quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 (về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông) và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.

Còn theo phương án 2, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học (5 năm tiểu học và 4 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học.

Ưu điểm của phương án này, theo Bộ GD-ĐT, là bảo đảm quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và bảo đảm sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là thời lượng 9 năm học dành cho trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp ở THCS, còn ít so với yêu cầu mới. Trong khi đó, giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm học ở THPT là nhiều.

Đồng thuận ít, băn khoăn nhiều

Có vẻ như quan điểm của Bộ GD-ĐT đang nghiêng về phương án 1. Trong dự thảo mới nhất của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tháng 8-2014), tại phụ lục Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần Kế hoạch giáo dục được xây dựng theo phương án 1 - giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học.

GS-TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết ông ủng hộ phương án học sinh THCS sẽ học 5 năm. Theo GS Đường, giáo dục cơ bản thể hiện trình độ dân trí tối thiểu của một nước. Vì thế, học sinh cần được giáo dục một cách cơ bản để có một trình độ dân trí tối thiểu trước khi tham gia thị trường lao động ngay hoặc học tiếp lên cao hơn. GS Đường cho rằng 9 năm không đủ thời gian để bảo đảm mục tiêu giáo dục cơ bản. Vì vậy, ông ủng hộ việc thiết kế chương trình giáo dục cơ bản 10 năm.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia giáo dục đã phản bác lại phương án này. Là người trực tiếp tham dự phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết ông rất băn khoăn với việc áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS.

Theo PGS Nhĩ, điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm 1 năm với khoảng 1 triệu học sinh THCS. Trong khi đó, bậc THPT lại “rỗng ruột” khi rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh. Ông Nhĩ cho rằng cần thận trọng khi xem xét lại việc giảm tải chương trình với những kiến thức không cần thiết để gói gọn 9 năm THCS hiện nay cho giáo dục cơ bản. Theo ông, việc phân luồng phải làm mạnh ở bậc THPT.

Tốn kém không cần thiết

Một giáo sư là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: “Việc thay đổi số năm của bậc phổ thông sẽ kéo theo nhiều xáo trộn với chi phí lớn, trong khi hiệu quả chưa chắc đã cao”.

Cũng có chung quan điểm với PGS Trần Xuân Nhĩ, giảng viên nêu trên cho rằng thay đổi số năm học của cấp THCS và THPT thì sẽ gây xáo trộn lớn về cơ sở vật chất, phòng ốc ở các trường cũng như số lượng giáo viên. Khi ấy, vấn đề cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị của khối THCS là một bài toán vô cùng khó. Các trường THCS sẽ phải đối mặt với một nhu cầu lớn về cơ sở vật chất để tiếp tục giảng dạy thêm 1 năm. Trong khi đó, các trường THPT lại thừa thãi không chỉ phòng ốc, trang thiết bị mà còn cả giáo viên.

“Chi phí ở đâu cho việc thay đổi cơ sở vật chất này? Đội ngũ giáo viên sẽ thay đổi như thế nào? Liệu có phải đưa giáo viên THPT xuống dạy THCS… cho đỡ lãng phí?” - chuyên gia này đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh sự thay đổi này sẽ kéo theo chi phí rất lớn. Trong khi đó, điều mấu chốt của đổi mới giáo dục hiện nay là thay đổi phương pháp học tập, chương trình - sách giáo khoa, tạo kỹ năng cho học sinh... vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Thêm vào đó, cũng theo vị giáo sư Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc hướng nghiệp cho học sinh cần thực hiện ngay từ bậc THCS chứ không phải lên bậc THPT mới thực hiện như quan điểm của Bộ GD-ĐT. “Tăng 1 năm cho bậc THCS và giảm 1 năm bậc THPT không có ý nghĩa gì trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chỉ để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà làm xáo trộn xã hội khiến cả phụ huynh lẫn học sinh phải lo lắng, mệt mỏi là không cần thiết” - chuyên gia giáo dục lâu năm này băn khoăn.

Đề cập về việc phân luồng cho học sinh, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng sau bậc THCS, học sinh nào có khả năng và định hướng vào đại học nghiên cứu hay ứng dụng thì có thể chỉ cần 2 năm học THPT. Riêng đối với thí sinh dự thi vào các trường nghề thì phải học 3 năm vì các em vừa phải học kiến thức THPT vừa phải học nghề.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết dự thảo có nêu vấn đề này nhưng chưa công khai vì cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục - Đào tạo vào ngày 28-8 trước khi trình Quốc hội. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sẽ được công khai để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội.

Mô hình 5-4-3 đã ổn định

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - nhấn mạnh sự thay đổi như phương án 1 của Bộ GD-ĐT sẽ gây khó khăn với chi phí rất lớn.

PGS Văn Như Cương cho rằng mô hình 5-4-3 (tiểu học 5 năm - THCS 4 năm - THPT 3 năm) như hiện nay đã ổn định và có thể giữ như thế. “Điều quan trọng là phải giảm tải chương trình, sách giáo khoa, tăng thêm những kỹ năng cần thiết cho học sinh, đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho các em ở bậc phổ thông” - ông nhìn nhận. H.L.Anh

 

THPT: Dự bị ĐH?

Khi góp ý về việc thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân, ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - từng cho rằng cần phải xem xét và thay đổi cấu trúc của hệ thống GD-ĐT Việt Nam. Theo ông Tùng, sau nhiều thay đổi, giáo dục Việt Nam đang có cấu trúc chắp vá “1 tiểu - 4 trung - 2 cao - 1 đại” - có thể hiểu là 1 hệ tiểu học; 4 hệ trung là THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; 2 hệ cao là CĐ nghề, CĐ chuyên nghiệp và 1 hệ ĐH.

Ông Tùng cũng đưa ra phương án “1-1-1-1” - “1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại”. Theo đó, bậc tiểu học vẫn học 5 năm, cấp THPT học 4 năm, CĐ học 3 năm và ĐH học 3-4 năm.

Với mô hình này, học xong 9 năm, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông. Bậc THPT sẽ được thay bằng 2 năm “dự bị ĐH” (Pre-University) dành cho người muốn học ĐH - học sinh sẽ học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường ĐH. Trung học chuyên nghiệp - CĐ nghề được gộp chung và đưa thành giai đoạn đầu (1 năm rưỡi) của CĐ. Học sinh học xong lớp 9 có thể phân luồng học CĐ, hết giai đoạn đầu được nhận bằng CĐ (Diploma), nếu học thêm 1 năm rưỡi sẽ nhận bằng CĐ nâng cao (Higher Diploma). Khi nhận được bằng này, sinh viên có thể học tiếp liên thông lên ĐH.

 

Một tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, TP HCMẢnh:Tấn Thạnh
Một tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, TP HCMẢnh:Tấn Thạnh

 

Theo ông Tùng, với cấu trúc này, hệ thống trường học sẽ quy hoạch lại để chỉ còn trường tiểu học, trường trung học (gộp giữa 2 bậc THCS và THPT), trường CĐ và trường ĐH. Chương trình học phổ thông được thiết kế lại thành hệ 9 năm, học sinh có bằng phổ thông khi 15 tuổi.

Bách An

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo