Tại hội thảo "Chăm sóc sức khỏe tinh thần" do Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 27-12, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra rằng sức khỏe tâm thần là vấn đề lớn cần được chăm sóc, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, dẫn báo cáo của Bộ Y tế cho biết vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn
Trong tham luận “Biện pháp phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân- chăm sóc tinh thần cho vị thành viên”, ThS Mai Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm lý học - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết kết quả khảo sát thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam cho thấy có khoảng 37% trẻ có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Kết quả nghiên cứu sâu hơn cho thấy 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1 đến 4 lần/năm)….
ThS Mai Thị Mỹ Hạnh
"Cuối cùng, có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên để lại hậu quả rất nghiêm trọng"- ThS Mai Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.
Vấn đề sức khỏe tinh thần trong sinh viên cũng được đề cập tại hội thảo. Học viên cao học Lâm Thanh Nghĩa cùng cộng sự Đỗ Tất Thiên của Trường ĐH Sư phạm TP HCM khi khảo sát 604 sinh viên tại TP HCM trong thời điểm dịch COVID-19 cho thấy sinh viên có nguy cơ trầm cảm nặng là 43,2%, trầm cảm trung bình 32,2%, nhẹ là 19%. Biểu hiện trầm cảm của sinh viên có mức độ xuất hiện từ 7 đến 12 ngày; thực trạng lo âu ở mức nặng chiếm 41%, mức trung bình là 39%, mức nhẹ là 20%...
Từ những thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu gồm GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, và PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã đưa ra những khuyến nghị chính sách tại TP HCM trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp
Theo đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng; cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ có sự phối hợp trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống chăm sóc đại trà và chăm sóc chuyên biệt về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19; đầu tư vào các công trình nghiên cứu toàn diện về sức khỏe tâm thần tại TP…
Bình luận (0)