Chiều 22-11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐGQG TP HCM phối hợp với Thành Đoàn TP HCM tổ chức “Lễ ký kết hợp tác thực hiện kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài chính, tinh thần của con người, đẩy nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 21-11, tại TP HCM có hơn 17.000 người tử vong do Covid-19, khiến hàng ngàn trẻ trên địa bàn trở nên mồ côi.
Những mất mát to lớn ấy đặt các em vào hoàn cảnh thiếu người nuôi dưỡng/chăm sóc và có nguy cơ gặp phải các rối loạn tâm lý. Đây là nhóm dễ chịu tổn thương, có nhu cầu được hỗ trợ vật chất, trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch.
Trong bối cảnh đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM phối hợp với Thành Đoàn TP chăm lo sức khoẻ tinh thần cho các em, giúp các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Chương trình có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia tâm lý có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm; lực lượng tình nguyện viên là sinh viên các ngành Công tác xã hội, Tâm lý học, Giáo dục học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, phát biểu trong lễ ký kết trực tuyến của trường và Thành đoàn TP HCM
Chương trình hợp tác của hai đơn vị sẽ kéo dài từ đây đến hết năm 2022. Sau năm 2022, căn cứ kết quả thực hiện và nhu cầu thực tế, chương trình sẽ xây dựng kế hoạch cho lộ trình tiếp theo.
Phát biểu lại lễ ký kết, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, khẳng định trường cam kết sẽ thực hiện chương trình một cách tốt nhất, vì xã hội đang rất trông chờ, các em rất cần được chăm sóc sức khoẻ tinh thần càng sớm càng tốt.
"Chương trình này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, đặc biệt là nâng cao tinh thần xung kích của những bạn sinh viên" - TS Phương Lan nhìn nhận.
Hai đơn vị sẽ cùng thực hiện các hoạt động như: "Gia sư áo xanh", hỗ trợ trên mô hình 3 cấp độ: theo dõi tình hình tâm lý hằng ngày, thực hiện các hoạt động tham vấn mục tiêu và ban đầu, lập kế hoạch và thực hiện tiến trình can thiệp tâm lý chuyên sâu khi trẻ có các rối loạn tâm thần hoặc vấn đề cần can thiệp.
Bình luận (0)