Trong lúc sinh viên (SV) không có chỗ học thì Trường ĐH Ngân hàng TPHCM lại dành cả 2 cơ sở tại số 36 Tôn Thất Đạm và 39 Hàm Nghi (quận 1) để cho các trung tâm trực thuộc trường như Trung tâm Hợp tác quốc tế, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ ngân hàng... mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo học viên tự do. Tình trạng đó đã đẩy SV chính quy rơi vào tình trạng học hành thiếu thốn, bất tiện.
Sinh viên tại Trung tâm Hợp tác quốc tế - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (39 Hàm Nghi, quận 1) được sử dụng phòng máy rất hiện đại. Ảnh: T.VINH
Không thư viện
Ngày 23-12, chúng tôi đến một cơ sở của trường tại 371 Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp-TPHCM, nơi Trường ĐH Ngân hàng TPHCM thuê một phần của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt làm chỗ học cho SV năm 2 và 3 của các khoa chứng khoán, tín dụng, thanh toán quốc tế và kế toán - kiểm toán. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh học hành thiếu thốn, tạm bợ của SV các khoa trên.
Thanh B., SV năm 3 khoa chứng khoán, cho biết em học tại cơ sở này được 2 năm và đó là khoảng thời gian vất vả vì thường xuyên phải di chuyển qua lại giữa các cơ sở cách nhau hàng chục km. B. kể: Đối với môn thể dục, lớp của em phải di chuyển xuống cơ sở tại đường Hoàng Diệu, Q. Thủ Đức để học.
Ngoài ra, điều kiện học tập của SV ở đây cũng vô cùng thiếu thốn. H., SV năm 2 khoa chứng khoán, cho biết cơ sở này không có thư viện để SV tham khảo tài liệu. H. cho biết SV tại cơ sở này đã phản ánh với trường về điều kiện học tập thiếu thốn nhưng vẫn không thay đổi.
Ký túc xá xuống cấp
Không vất vả như các SV tại cơ sở ở Q. Gò Vấp nhưng hàng chục ngàn SV học tại cơ sở trên đường Hoàng Diệu, Q. Thủ Đức cũng rất phiền toái mỗi khi phải liên hệ với nhà trường.
Ng., SV năm thứ nhất, cho biết đầu năm nay, em lên mạng của trường đăng ký tín chỉ để học nhưng mạng luôn chập chờn. Rốt cuộc, em phải lặn lội đến cơ sở chính của trường để đăng ký. Ng. cho biết nhiều SV muốn xin giấy để vay tiền của ngân hàng cũng phải chạy đến cơ sở chính tại Q.1.
Nhiều SV còn cho biết ký túc xá ở đây rất tệ nhưng vừa qua, trường lại tăng tiền ở ký túc xá. SV tên H. đang học năm thứ nhất cho biết ký túc xá của trường có 3 mức phí: 350.000 đồng, 130.000 đồng và 110.000 đồng/tháng/SV.
Riêng các phòng có giá 110.000 đồng và 130.000 đồng đều nóng vào buổi trưa và nhìn chung đã xuống cấp nặng.
Sang trọng và tiện nghi
Ngược lại với 2 cơ sở trên, chiều 23-12, chúng tôi đến Trường ĐH Ngân hàng TPHCM ở 36 Tôn Thất Đạm, Q.1. Thật ngạc nhiên khi lầu 1 của trường ĐH này được bố trí sang trọng như phòng giao dịch tại ngân hàng.
Tầng 2 là khu vực mới được cải tạo rất tiện nghi, bao gồm phòng làm việc của hiệu trưởng, các phòng họp với nội thất và trang thiết bị hiện đại. Tầng 3 là thư viện rộng 450 m2 với 30 máy vi tính LCD, 400 chỗ ngồi có máy lạnh. Các tầng còn lại là văn phòng các khoa và tại cơ sở này chỉ có khoảng 4-5 phòng học, phòng máy tính được trang bị máy lạnh.
Tương tự, cơ sở của trường tại 39 Hàm Nghi, Q.1 là tòa nhà 5 tầng mới được cải tạo. Các phòng học đều rất tiện nghi với máy chiếu, máy lạnh, bàn ghế mới.
Ông Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết trước đây, ngoài 2 cơ sở này, trường còn có cơ sở 45 Ngô Đức Kế và 66 Tôn Thất Thuyết. Khi đó, tất cả SV của trường đều được học ở 4 cơ sở nội thành này.
Tuy nhiên, từ năm 2005, nhà trường đã giao lại 2 cơ sở 45 Ngô Đức Kế và 66 Tôn Thất Thuyết cho TPHCM để xây dựng công trình khác. Do vậy, 30% SV chính quy của trường phải chuyển xuống cơ sở Nguyễn Kiệm, Gò Vấp (trường thuê) và 70% còn lại chuyển về cơ sở ở Thủ Đức (cơ sở của trường được xây tạm từ đất UBND TPHCM giao).
Giải thích về sự di chuyển này, ông Hồ Diệu cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tuyển hơn 2.000 SV chính quy, trong khi cơ sở Hàm Nghi chỉ có trên 10 phòng học nên không thể bố trí cho SV chính quy học ở đây. Hơn nữa, SV của các chương trình quốc tế đóng học phí cao nên phải được sử dụng phòng máy lạnh, giáo sư quốc tế phải ở khách sạn 5 sao trong nội thành nên chúng tôi sắp xếp như vậy cho tiện”.
Về tình trạng cơ sở vật chất phòng học và ký túc xá của cơ sở ở Thủ Đức đang xuống cấp, ông Hồ Diệu thừa nhận: “Chúng tôi xác định chỉ xây phòng học và ký túc xá tạm trong thời gian chờ xây cơ sở mới. Có lẽ vì thế mà cơ sở xuống cấp nhanh. Chúng tôi đã cố gắng sửa chữa những chỗ hư hỏng như vòi nước, hệ thống nhà vệ sinh... để phục vụ cho SV tốt hơn”.
|
Bình luận (0)