Trước khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường dự đoán và hy vọng năm nay, điểm sàn sẽ hạ nhưng khi bộ vẫn kiên quyết giữ mức điểm sàn như cũ (khối A, D: 13, C, B: 14) thì nhiều chuyên gia đã dự báo một mùa tuyển sinh vất vả. Và thực tế khi cuộc đua nguyện vọng 2 hạ màn, nhiều ngành tại nhiều trường rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau mà nguyên nhân vẫn được quy về việc “điểm sàn không hạ”.
Cũng chính vì điểm sàn không hạ mà các trường phải chạy vạy cho được cái phao “quy chế 33” để được nới rộng điểm sàn. Nhiều trường giữ chân thí sinh bằng cách chuyển ngành, chuyển hệ hoặc sắp sẵn cho thí sinh một ngành học không phải là nguyện vọng của các em… Tất cả cũng chỉ vì áp lực phải tuyển đủ chỉ tiêu. Một cán bộ làm công tác đào tạo tại một trường công lập cho rằng dù không đủ chỉ tiêu cũng cố gắng cầm cự mở mỗi ngành ít nhất một lớp chứ nếu phải đóng cửa ngành học thì bao nhiêu là hệ lụy: giảng viên thiếu giờ giảng, lãng phí cơ sở vật chất, tổn hại đến uy tín của trường rồi năm kế tiếp có nguy cơ bị cắt chỉ tiêu… Trường ngoài công lập còn lo lắng gấp bội bởi khi các ngành lần lượt đóng cửa hoặc thí sinh nhập học quá ít thì trường cũng có nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Trong khi hàng ngàn học sinh tốt nghiệp THPT vẫn có nhu cầu vào ĐH mà các trường lại tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí phải đóng cửa ngành học thì thật sự là điều nhức nhối. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp hạ điểm sàn – vốn ở mức đã thấp, cũng không phải là giải pháp tốt bởi đầu vào quá yếu thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ đi đến đâu? Chúng ta phải nhìn rộng ra cả hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục THPT. Việc hàng ngàn thí sinh đạt điểm 0 môn sử, toán cùng phổ điểm trung bình chỉ ở mức 1-2 điểm ở nhiều môn khiến chúng ta không thể không đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo của cả hệ thống giáo dục hiện nay.
Đã đến lúc phải có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo ở các bậc học bên cạnh việc cải tiến công tác tuyển sinh phù hợp hơn kỳ thi “ba chung” hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành Luật Giáo dục ĐH, trong đó quy định những nội dung liên quan đến việc tự chủ của các trường, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh. Đồng thời, một bộ luật dành riêng cho ĐH có chế tài đủ mạnh hy vọng sẽ nhanh chóng điều chỉnh hệ thống giáo dục ĐH đang “rối loạn” hiện nay, trong đó có vấn đề đầu vào ở các trường ĐH.
Bình luận (0)