Phóng viên: Học sinh Việt Nam đi thi Olympic quốc tế thường đoạt được rất nhiều huy chương vàng, bạc. Thế nhưng, thành tựu khoa học của Việt Nam rất khiêm tốn. Ông nghĩ sao về điều này?
- TS Đỗ Quang Yên: Tôi cũng nghĩ là học sinh Việt Nam nhiều người có tư chất tốt. Ở cấp độ phổ thông, giáo viên của chúng ta khá tốt nên các em học sinh được đào tạo cơ bản và bồi dưỡng kiến thức đầy đủ, từ nền chung khá vững này, các đội tuyển thi Olympic thường có kết quả cao. Thế nhưng, qua cấp phổ thông thì chúng ta thiếu các thầy cô giỏi. Thầy cô giỏi ở đây không có nghĩa đơn giản là giáo viên giỏi ở các trường ĐH hay viện nghiên cứu mà là các giáo sư và chuyên gia đầu ngành đang nghiên cứu và phát triển các hướng đi mới nhất, quan trọng nhất trong các lĩnh vực trọng yếu của khoa học - công nghệ. Các học sinh, sinh viên của chúng ta cần được học và làm việc với các giáo sư và chuyên gia như thế để có cơ hội phát triển tài năng và sự nghiệp khoa học.
Vì chúng ta thiếu thầy cô giỏi nên các tài năng trẻ ở trong nước đa số là không phát triển được nhiều so với tiềm năng, thậm chí còn thui chột. Từ đó dẫn đến việc thế hệ sau vẫn thiếu thầy giỏi, cứ như thế, vòng luẩn quẩn này lặp lại, cuối cùng đội ngũ làm khoa học của chúng ta vừa mỏng vừa thiếu người giỏi. Các cụ vẫn dạy là "không thầy đố mày làm nên", hiểu theo nghĩa rộng ở cấp độ nghiên cứu khoa học - công nghệ thì thành ngữ này miêu tả chính xác câu chuyện trên.
Tại sao lại thiếu thầy cô giỏi, vì người tài của chúng ta khá nhiều?
- Theo tôi, nguyên nhân sâu xa là do việc phát triển khoa học của chúng ta chưa được nhà nước quan tâm đầu tư xứng đáng. Để có nền khoa học phát triển, chúng ta cần mạnh dạn "chiêu hiền đãi sĩ". Chiêu hiền bằng cách mời các giáo sư chuyên gia hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực (không nhất thiết là người Việt) đến Việt Nam lâu dài để làm việc, tham gia đào tạo và trả công đãi ngộ xứng đáng. Đãi sĩ bằng cách tạo cơ chế đặc biệt để những người làm khoa học ở trong nước có thu nhập cao so với mặt bằng chung của xã hội, đặc biệt là những người trẻ, giúp họ chuyên tâm vào công việc để phát triển sự nghiệp khoa học.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP HCM) trong giờ thí nghiệm Ảnh: TẤN THẠNH
Tôi chỉ nói đơn giản như là việc ở ta, nhiều tiến sĩ trẻ đang công tác tại các trường ĐH/viện nghiên cứu thậm chí còn nhận lương thấp hơn cả những người làm công việc đơn giản không cần đào tạo chuyên môn gì đặc biệt mà có thâm niên cao. Chính vì thế, tôi nghĩ ít nhất với cấp độ ĐH trở lên thì nên có quy chế riêng, ví dụ như bỏ ngay việc tăng bậc lương theo thâm niên mà phải dựa theo đóng góp khoa học/đào tạo hằng năm và người trẻ có trình độ được trả lương xứng đáng chứ không phải chờ đến lượt.
Bên cạnh đó, cần mạnh tay đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu/thiết bị khoa học, hỗ trợ các chi phí khoa học và trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học và các trường ĐH/viện nghiên cứu, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Theo tôi hiểu thì cho đến giờ vẫn chưa có nhiều bước đột phá trong các vấn đề này.
Vì sao các tài năng trẻ phần lớn chọn con đường đi du học ở nước ngoài và sau đó ở lại nước ngoài làm việc chứ ít trở lại Việt Nam?
- Làm khoa học là công việc vất vả mà thu nhập lại thấp so với mặt bằng chung, ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, những người làm khoa học thuần túy tốt dù không khá giả nhưng nói chung vẫn đủ sống và lo được cho gia đình. Còn ở Việt Nam, theo tôi hiểu, đây là vấn đề khó khăn. Việc các em ra nước ngoài học hỏi là việc tốt vì như đã nói ở trên, chúng ta thiếu nhiều thầy cô giỏi. Tôi xin nói một chút là trong rất nhiều ngành khoa học, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thì vẫn chỉ mới bắt đầu vào nghề và sau đó nhiều năm, họ phải tìm kiếm cơ hội để được làm việc, học hỏi từ các giáo sư đầu ngành rồi mới đủ khả năng tự lập. Sau khi đi học, đi làm một thời gian, đa số các em đã có công việc và vị trí khoa học ổn định, thường là ổn định cả gia đình, rất khó để bỏ ngang về trong khi ở nhà thì không có gì bảo đảm tương lai. Chưa có chính sách, cơ chế nào cho những người như thế, cơ hội tìm được công việc phù hợp chuyên môn cũng không có nhiều, nếu có thì mức đãi ngộ thường là quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Cũng có nhiều trường hợp không làm khoa học nữa mà chuyển sang làm việc cho tư nhân ở lĩnh vực khác, ngay cả ở các trường hợp này thì ở nước ngoài cũng có nhiều cơ hội hơn. Còn các trường hợp đi học khi đã có vị trí công tác ở nhà rồi thì theo tôi hiểu, đa số là quay về ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng gặp khó khăn trong việc giữ mối quan hệ nghiên cứu cũ với thầy hướng dẫn và cộng tác viên cũ. Chi phí đi lại/mời cộng tác viên quá lớn so với thu nhập của họ và việc này ảnh hưởng nhiều đến công việc nghiên cứu, đặc biệt vì các bạn mới tốt nghiệp tiến sĩ đa phần vẫn chưa đủ khả năng tự lập nghiên cứu.
Để khắc phục được vấn đề này quả thực là rất khó, bên cạnh việc "chiêu hiền đãi sĩ" như đã nói ở trên, tôi nghĩ cần có nhiều nghiên cứu thêm bởi các nhà hoạch định chính sách học hỏi từ những nước đã thành công.
Ở Việt Nam, rất nhiều tài năng sau khi đi du học thì trở về nước nhưng chưa kịp cống hiến, họ lại chọn cách ra nước ngoài. Có phải điều kiện cũng như cơ chế làm việc ở nước ta đã kìm hãm sự phát triển khiến họ phải ra đi?
- Tôi không rõ số liệu về các tài năng trẻ đã trở về rồi lại ra đi. Nếu phải đoán thì tôi nghĩ đa phần là lý do về điều kiện kinh tế. Vật chất quyết định ý thức. Nếu như chúng ta trả lương cao cho những người làm khoa học và hỗ trợ chi phí nghiên cứu khoa học như là cải tạo thiết bị cơ sở vật chất hoặc mời cộng tác viên… tự khắc sẽ có nhiều người giỏi muốn về. Khi lượng đủ sẽ có sự thay đổi về chất, khi có nhiều người giỏi làm việc với nhau, họ sẽ tạo thành động lực để cải tạo cơ chế làm việc.
Có một ví dụ đơn giản để chúng ta so sánh: các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu bao giờ cũng muốn mua được siêu sao, các huấn luyện viên hàng đầu (và chi phí bao giờ cũng rất đắt). Nhưng bên cạnh đó, họ vẫn muốn tự đào tạo và lôi kéo các tài năng trẻ về với hy vọng là họ sẽ phát triển trở thành siêu sao trong tương lai.
Đối với Việt Nam, bên cạnh việc hưởng các thành tựu nghiên cứu của các siêu sao khoa học này, chúng ta còn được họ đào tạo giúp cho một đội ngũ trẻ tài năng, ngoài vai trò là thỏi nam châm thu hút được người giỏi quay về.
Theo tôi, việc đầu tư mạnh tay rất quan trọng. Tôi được biết hiện nay, Chính phủ đang muốn phát triển môi trường cho các công ty khởi nghiệp và chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0. Cái gốc vẫn là phải có nền khoa học tiến bộ làm nền tảng cho các hướng phát triển này. Ở Mỹ có rất nhiều công ty khởi nghiệp thành công dựa trên một kết quả nghiên cứu khoa học ở một trường ĐH hay viện nghiên cứu lớn và họ thương mại hóa kết quả này, một ví dụ sinh động là Google được thành lập nhờ kết quả nghiên cứu về thuật toán tìm kiếm ở Stanford.
Vì chúng ta thiếu thầy cô giỏi nên các tài năng trẻ ở trong nước đa số là không phát triển được nhiều so với tiềm năng, thậm chí còn thui chột. Từ đó dẫn đến việc thế hệ sau vẫn thiếu thầy giỏi, cứ như thế, vòng luẩn quẩn này lặp lại, cuối cùng đội ngũ làm khoa học của chúng ta vừa mỏng vừa thiếu người giỏi.
Bình luận (0)