xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tâm sự xúc động của một người yêu văn mà phải bỏ văn

Bạn đọc Lê Ngọc Khả Nhi

(NLĐO) - Sau loạt bài phản ánh thực trạng dạy học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, Báo Người Lao Động nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có bài viết rất xúc động của một người từng rất yêu văn, học văn với tất cả đam mê, tìm tòi, sáng tạo nhưng cuối cùng phải bỏ văn để rẽ sang hướng khác. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Giờ học môn ngữ văn của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM. Ảnh: T. Thạnh/NLĐ

Giờ học môn ngữ văn của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM. Ảnh: T. Thạnh/NLĐ

 

Người ta luôn nhìn vào điểm số và những bài văn cười ra nước mắt nhưng ít người đặt ra câu hỏi: Điểm số có thể đánh giá được năng lực ngôn ngữ ? 

Với áp lực chương trình học nặng nề và quỹ thời gian hạn hẹp, việc học giỏi toàn diện tất cả các môn học ở lớp 12 là mục tiêu vô cùng khó thực hiện. Phần lớn học sinh buộc phải học lệch, tức lựa chọn theo đuổi hoặc bỏ rơi các môn học, tùy vào năng khiếu, lòng đam mê, và yếu tố hướng nghiệp. Tôi đã từng là một học sinh yêu môn văn và muốn trở thành giáo viên dạy văn nhưng năm lớp 12, tôi quyết định chuyển hướng học khoa học tự nhiên và bây giờ tôi theo ngành y khoa.

Tôi muốn kể câu chuyện về bản thân mình như một trường hợp (cá biệt) giúp các bạn hình dung được rằng giữa môn học, cách học, điểm số trong kỳ thi và hướng nghiệp đôi khi có mâu thuẫn rất lớn. Không có gì là lý tưởng, hoàn hảo trong việc học và thi cử.

Từ nhỏ tôi đã thích đọc tiểu thuyết hơn truyện tranh, lên 10 tuổi tôi đã đọc hết tủ sách của thư viện nhà thiếu nhi, từ Truyện Kiều cho tới Nhà thờ đức bà Paris. Tôi biết viết văn trước khi học bảng cửu chương. Năm 12 tuổi tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của thành phố. Đó là chuỗi ngày kỳ lạ nhất trong đời khi tôi phải rời xa bạn bè để đến trại bồi dưỡng, nơi các thầy cô rèn luyện tôi thành một con gà đúng nghĩa. Tôi bị bắt đọc thật nhiều trích đoạn văn thơ Việt Nam, Pháp và Xô viết, ngày nào cũng viết. Tôi mải chạy theo những bài văn đến mức 2 lần phải nhập viện và bị mất căn bản hoàn toàn môn toán. Cha tôi và cô giáo chủ nhiệm đã rất cực khổ mới lấy lại căn bản cho tôi chỉ trong vài tuần trước khi thi tốt nghiệp tiểu học.

 

img

 

Ngày đi học, tôi yêu môn văn và học văn một cách hệ thống, chuyên cần với tính cầu toàn tới mức khắt khe. Tôi còn nhớ mình không bao giờ trích dẫn tác phẩm văn học cổ bằng bản dịch, mà luôn dùng bản phiên âm nguyên tác Hán văn, ví dụ Đại cáo Bình ngô hay thơ Ngục trung nhật ký. Trong túi lúc nào cũng có sổ tay ghi những ý tưởng, những trích đoạn thơ văn dùng làm dẫn chứng. Không chấp nhận dừng lại ở trích đoạn trong sách giáo khoa, tôi tìm đọc đến cùng tất cả tác phẩm thơ và truyện của tác giả đó. Tuy nhiên có một sự thật cay đắng (tôi cho đó là định mệnh) : Mỗi lần trong đời tôi có cơ hội đặt hy vọng và hoài bão vào môn văn thì lại nhận thất bại.

Mặc dù ở lớp tôi luôn có điểm trung bình môn văn cao nhưng tôi luôn thiếu điểm trong tất cả những kỳ thi quan trọng. Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, tôi suýt trượt chỉ vì đề bài yêu cầu kể một câu chuyện từng học trong khi tôi đã kể câu chuyện của một nhà văn Nga từng làm tôi xúc động, nhưng nó chưa từng có trong sách giáo khoa.

Người ta cho 2 điểm vì lạc đề, sau đó may mắn nhờ thầy cô trong trường xin phúc khảo lên được 7 điểm. Năm lớp 9 tôi đạt 9 điểm môn văn tốt nghiệp nhưng lại thi trượt chuyên ban C với đề thi về thơ Hồ Xuân Hương mà đến giờ tôi vẫn không biết mình đã viết gì sai trong bài làm. Năm nào tôi cũng tham gia đôi tuyển học sinh giỏi văn của quận nhưng luôn bị loại. Môn văn lấy của tôi rất nhiều nước mắt, khi đọc về những mảnh đời bất hạnh trên trang giấy cũng như khi nhìn vào điểm thi của mình.

Mãi đến cuối năm lớp 11, cô giáo dạy văn của tôi mới giải thích cho tôi hiểu rằng mặc dù tôi diễn đạt tốt và có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng giám khảo không có cách nào cho điểm những gì tôi viết, những ý tưởng đó không nằm trong đáp án. Cô khuyên tôi tiết chế cảm xúc cá nhân và bám sát theo tài liệu chuẩn.

Từ ngày đó, tôi thấy hụt hẫng, chán nản và đâm ra thù hận môn văn. Nhưng khác với một em nữ sinh trút giận vào bài thi học sinh giỏi văn khi nói thẳng là em không thích văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, tôi đối phó với điều tôi ghét theo cách khôn khéo hơn. Năm lớp 12 tôi ra nhà sách tha về một chồng những sách tham khảo của Hoài Thanh, Hoàng Như Mai … và sưu tầm giáo án của những “chuyên gia luyện thi đại học” môn văn về nghiền ngẫm, học thuộc từng câu chữ. Từ lúc đó trở đi tôi không còn thực sự học môn văn nữa mà chỉ là một con vẹt. Bài văn tôi viết vẫn dài, vẫn mạch lạc nhưng chứa toàn ý tưởng xa lạ của người khác.

Bỏ rơi môn văn, tôi chuyển sang lò luyện thi toán, lý, hóa cho đến ngày vào đại học y khoa. Trong trường y khoa, năng khiếu văn chương của tôi không giúp gì cho việc học các môn chuyên ngành, nhưng giống như một mạch nước ngầm, nó vẫn chảy.

Khi buồn tôi có thể làm thơ, ngày lễ Macchabée có thể viết bài văn tế những người hiến thân xác cho khoa học, dễ dàng đạt điểm cao môn triết, chính trị và tâm lý học. Thói quen đọc sách giúp tâm hồn của tôi bớt khô cứng sau những giờ dài dằng dặc trực tại bệnh viện. Tôi còn nhớ năm thứ ba trường y khoa, mình đã tự học môn Ngữ dụng và Logic học bằng giáo trình dành cho sinh viên khoa báo chí, đơn giản chỉ vì tôi thích điều này.

Như vậy trong cuộc đời học sinh tôi phải đổi hướng (tránh học môn văn) 3 lần để tự cứu bản thân mình, mà lần nào cũng muộn màng ngay trước ngưỡng cửa những kỳ thi quyết định số phận. Cuối cấp 2 thi trượt chuyên ban C trường chuyên, tôi phải quay trở lại ôn luyện môn toán chỉ trong 1 tháng để đậu vào lớp 10 một trường công lập khác. Vào cấp 3 có lúc tôi từng mơ ước trở thành giáo viên dạy văn, để rồi một lần nữa buộc phải bỏ môn văn và luyện thi đại học khối A-B chỉ 8 tháng trước khi tốt nghiệp.

Nếu có thể quay ngược thời gian, sẽ rất khó khăn cho tôi khi phải lựa chọn giữa việc làm bạn với môn văn từ ấu thơ dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ đi tới đích, hay từ bỏ môn văn để dành thời gian học tiếng Anh, học toán để trở thành kỹ sư, bác sĩ, tìm một học bổng du học nào đó.

Với câu chuyện về bản thân, tôi tha thiết mong những nhà quản lý giáo dục sớm tối ưu hóa công tác đào tạo, tuyển sinh cho một trận đánh sau cùng, duy nhất, thay vì liên tục thay đổi từng năm. Trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, mong quý vị cân nhắc thật chu đáo bởi vì mỗi ý tưởng nảy sinh trên bàn họp tại một nơi xa xôi nào đó có thể sẽ làm thay đổi số phận của một đời người. Đứa học trò không thể làm gì khác hơn việc nhắm mắt bước theo những chuẩn mực mới, con đường mới mà cha mẹ và thầy cô vẽ ra cho chúng. Đừng để đứa trẻ bơ vơ lạc lõng giữa đường với một tương lai vô định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo