Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Chức danh GS, PGS lấy ý kiến rộng rãi đã nhận được nhiều góp ý.
Quá ít bài báo khoa học
Theo điểm mới nhất của dự thảo, với tiêu chuẩn chức danh GS, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 quyển hay chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, trao bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh của Trường ĐH Bách khoa TP Ảnh: Tấn Thạnh
Ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo quy định.
Góp ý cho dự thảo này, nhiều nhà khoa học kiến nghị tăng số bài báo lên vì quy định như vậy là quá ít. Trong văn bản chính thức góp ý dự thảo, Viện Toán học cho rằng cần nâng chuẩn đối với GS, PGS nhóm ngành khoa học tự nhiên. Cụ thể, đối với PGS, bài ISI ít nhất phải gấp đôi - tức là nên nâng lên thành 4 bài. GS không phải là 2 lần PGS nên việc quy định ít nhất có 8 bài ISI cũng không có gì là quá đáng. Con số này cao hơn nhiều lần so với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
GS Nguyễn Đình Đức, ĐHQG Hà Nội, cũng cho rằng tiêu chuẩn về bài báo khoa học mà dự thảo đưa ra là thấp so với mặt bằng PGS, GS của các nước trên thế giới. Việt Nam cần có lộ trình và tiêu chí phù hợp với từng ngành mới khả thi.
GS Đức nhấn mạnh các cơ sở đào tạo ĐH ngày càng có nhiều GS, PGS chất lượng cao thì sẽ càng có uy tín và tăng xếp hạng của cơ sở giáo dục ĐH đó. Có nhiều GS, PGS mà chất lượng không cao, các tiêu chí quá thấp so với thế giới thì lại phản tác dụng.
Có nên ưu ái khối ngành xã hội?
Liên quan đến các tiêu chuẩn về bài báo quốc tế, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc công bố công trình quốc tế là một yêu cầu khó và là bước ngoặt so với yêu cầu hiện hành.
Theo GS Thi, đối với các nhà toán học, nhà khoa học về lĩnh vực tự nhiên, việc phải có các bài báo không phải là vấn đề khó khăn vì từ lâu, họ đã đạt được yêu cầu tương tự. Thế nhưng, đối với nhiều môn khoa học khác, đặc biệt là khoa học xã hội, nếu yêu cầu phải có bài báo khoa học quốc tế ngay thì rất khó. GS Thi cho rằng yêu cầu này là đúng song cần phân loại chuyên ngành, đối tượng, lộ trình cho phù hợp theo hướng quốc tế hóa.
GS Nguyễn Đình Đức nhìn nhận việc xem xét tính đặc thù của từng ngành là cần thiết. Năm qua, Hội đồng Ngành vật lý và cơ học có 100% ứng viên GS và PGS đều công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI. Với một số hội đồng ngành như toán học, vật lý, hóa học và cơ học..., có thể đề xuất mặt bằng tiêu chí cao hơn mặt bằng chung, điều này cũng sát và phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
GS Đức lưu ý ở các nước tiên tiến, nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ phải công bố được tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí ISI uy tín và không có ngoại lệ với bất kỳ ngành nào. Chính vì vậy, với nghiên cứu sinh khối ngành khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật…, thời gian làm luận án tiến sĩ thường kéo dài hơn so với nghiên cứu sinh khối khoa học tự nhiên - công nghệ.
Tuy nhiên, xu hướng ở Việt Nam thì ngược lại. Số nghiên cứu sinh khối khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật nhiều gấp khoảng 4 lần khối khoa học tự nhiên - công nghệ và cũng thường kết thúc luận án đúng hạn nhanh, nhiều hơn. Vì vậy, theo GS Đức, việc nâng cao chất lượng và tiêu chí GS, PGS với cả các ngành thuộc khối khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật là cần thiết.
Báo cáo khoa học khác bài báo khoa học
Bộ Khoa học - Công nghệ khi góp ý cho dự thảo này cho rằng không nên quy định báo cáo khoa học tại hội thảo quốc gia là bài báo khoa học. Bởi lẽ, các bài báo khoa học cần được công bố tại những tạp chí khoa học uy tín, có biên tập, thẩm định và phản biện chuyên sâu.
Trường hợp có tính đặc thù đối với một số nhóm ngành thì nên quy định theo hướng: Giao cho hội đồng chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định bài báo cáo tại hội thảo quốc gia, có đáp ứng tiêu chí là bài báo khoa học hay không.
Bình luận (0)