Lý giải về việc nhiều trường điểm chuẩn quá cao, ông Ga cho rằng thực chất, nếu nhìn trên tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh thì chỉ có vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Các ngành thuộc khối trường quân đội, công an tuyển đúng 100% chỉ tiêu theo kế hoạch. Chỉ tiêu ngành y đa khoa của các trường hầu như không thay đổi trong nhiều năm nay. Các ngành này lâu nay vẫn tuyển sinh với mức điểm chuẩn cao.
Những năm trước, do TS bị giới hạn số NV nên nhiều em điểm cao không tự tin nộp vào các ngành này. Năm nay, TS không giới hạn số NV nên hầu như những em có kết quả cao đều đăng ký, trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an lại giảm nên dẫn đến tăng điểm chuẩn. Do đó, một số ít TS có điểm thi cao không trúng tuyển NV1.
"Tuy nhiên, không trúng tuyển NV1 không có nghĩa là các em đã trượt ĐH. Nếu thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn các em đã trúng tuyển các NV khác. Ngoài một số rất ít ngành điểm chuẩn cao, còn hầu hết các ngành còn lại (đến gần 99% tổng số ngành tuyển sinh), việc tăng - giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm" - ông Ga khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng chính cách ra đề thi năm nay đã khiến số TS đạt điểm 9-10 nhiều, dẫn đến ở một số trường, có em đạt đến 29 điểm vẫn trượt. Ông Ga cho rằng số lượng TS được điểm 9-10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số TS dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5-6, vì thế đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng TS có điểm cao này lại ưu tiên đăng ký vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Vì vậy, có hiện tượng một số TS điểm cao vẫn không trúng tuyển NV1.
Trước đây, khi thi tự luận, mỗi môn chỉ có một đề thi thì đề chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ số ít TS chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế, nhiều TS có thể làm được, kéo theo số TS điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận.
Trước thắc mắc liên quan đến việc làm tròn 0,25 điểm tổng 3 môn thi là bất hợp lý, thứ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải quy chế quy định làm tròn 0,25 tổng điểm 3 môn thi để tính điểm xét tuyển. Trong trường hợp cuối danh sách còn nhiều TS bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển. Việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng 3 môn thi. Mức chênh lệch quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ TS.
Trong thiết kế phần mềm, Bộ GD-ĐT vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp TS bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển (tức lấy 2 số thập phân). Các trường tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không.
Bình luận (0)