Có nhiều lý do để du học sinh Việt ở nước ngoài không về quê ăn Tết cổ truyền, nhưng lý do lớn nhất là kinh phí đi lại quá tốn kém. Với những bạn du học sinh chọn các nước phương Tây để đi du học, chỉ có Tết Tây, không có Tết Nguyên Đán như Việt Nam, nên các bạn du học sinh vẫn phải ở lại tiếp tục học và làm việc.
Nhớ hương vị quê hương
Tết đến, dù có ở xa nhà mấy hay bận việc đến thế nào, mọi người đều mong muốn được trở về nhà sum họp với gia đình. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm, có lẽ là nét đẹp truyền thống đặc trưng của người dân Việt. Đối với những du học sinh Việt lần đầu ăn Tết Việt ở nước ngoài, có lẽ đây là điều hụt hẫng nhất.
Lễ hội Tết Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản
Lần đầu tiên xa quê hương, bạn Nguyễn Hoàng Anh, du học sinh Việt tại tỉnh Osaka, Nhật Bản trải lòng, khi bước qua nước Nhật, ra khỏi vòng tay gia đình mới cảm nhận rõ sự chênh vênh, lạc lõng nơi xứ người. Lúc mới sang, bị sốc rất nhiều thứ, từ văn hóa đến khẩu vị món ăn, nhưng bản thân mình phải tự cân bằng lại. Tủi thân là điều đương nhiên của một du học sinh xa quê, ai cũng phải gặp, nên phải chấp nhận. "Điều buồn nhất là vừa đi học, vừa đi làm, tối về cô đơn một mình trong căn phòng mười mấy mét vuông, khi Tết đến, đó là điều kinh khủng nhất" – Hoàng Anh chia sẻ.
Nhiều gian hàng trưng bày những câu chúc Tết truyền thống Việt Nam
Hoàng Anh cũng cho biết, Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản có tổ chức nhiều hoạt động mừng Tết cổ truyền, nhưng đa số sinh viên phải đi học và làm thêm, vì ở Nhật Bản không có Tết cổ truyền nên sinh viên ít có thời gian tham gia. Trung bình, một du học sinh được làm thêm 28 tiếng/tuần, nhưng vào mùa nghỉ sẽ được làm nhiều hơn tùy quy định nơi sinh viên theo học và làm việc.
Đây là sự kiện thường niên của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản
Thu hút sự tham gia của đông đảo du học sinh Việt
Đây là năm thứ 2 ăn tết xa nhà, nhưng đối với TDT, sinh viên năm 2 Trường ĐH Franklin & Marshall (Mỹ) cũng có buồn và nhớ gia đình, bạn bè, nhớ món ăn, không khí đặc trưng những ngày Tết của Việt Nam. Không có người thân ở nước bạn nên TDT hiếm có dịp chứng kiến cảnh nhà nhà mua mai vàng phượng đỏ trang trí đầy nhà, kho nồi thịt hay tụm lại làm bánh chưng. Lúc đầu cũng thấy lạ, thiếu thiếu, nhưng bây giờ cũng đã quen dần.
Tại Trường ĐH Franklin & Marshall có tổ chức những hoạt động đón Tết cổ truyền cho các du học sinh châu Á. Để đón Tết, du học sinh tụ họp lại ăn món châu Á, rồi đốt pháo hoa. "Tết tổ chức nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng mà cũng đủ vui đối với những đứa xa nhà rồi. Ăn Tết xa nhà thì nhớ người thân nhiều, nhưng tự nhiên cũng tự lập nhiều và được trải nghiệm nhiều hơn. Ăn Tết với bạn nước khác, thật ra cũng có cái hay. Người người ngồi cùng nhau xuýt xoa về độ ngon của món Châu Á, vui mà"- TDT nói thêm.
Những du học sinh Việt mặc áo dài truyền thống tham gia cuộc thi Miss VietNam - Kyushu được tổ chức trong ngày hội Tết Việt
Những trải nghiệm khó quên
Khi chấp nhận rời xa quê hương để tự lập nơi xứ người, các bạn du học sinh phải chuẩn bị tâm thế cho tất cả, bao gồm cả việc đón Tết xa nhà. Nhưng du học sinh sẽ không cô đơn vì xung quan luôn có những người bạn mới luôn sẵn sàng cùng tạo nên một cái Tết thật tuyệt vời.
Nguyễn Đỗ Thùy Dung, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ), đã "dày" kinh nghiệm ăn Tết xa quê khi có đến 4 năm ở nước ngoài. Dung thấy rằng, khó khăn lớn nhất là cảm giác cô đơn khi nhìn mọi người ở nhà quây quần bên nhau nhưng không có mình. Bù lại, khi Tết đến du học sinh Việt sẽ tụ về cùng nhau nấu một bữa ăn, kể nhau nghe những câu chuyện trên lớp, tất cả mọi người sẽ cùng trang trí, nấu những món ăn của Tết cổ truyền Việt Nam. Du học sinh Việt vẫn sẽ đi học và đi làm bình thường, những sẽ lựa ra một ngày gần Tết Nguyên Đán nhất để gặp mặt, đây là ngày gần như vui nhất và đông đủ bạn bè nhất trong năm.
Còn với Bùi Mạnh Hùng, cựu học viên Summit Việt Nam và đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Stanford (Mỹ) ngành Công nghệ thông tin, dù đã ăn Tết ở nước ngoài 2 năm nhưng vẫn luôn có cảm giác bồi hồi khi Tết đến. "Trước đây, năm nào cũng được hưởng không khí Tết cùng gia đình ở Việt Nam. Nhưng 2 năm này thì không được ở cạnh nhau, nên gia đình cũng nhớ em, vào lúc giao thừa em vẫn cố gắng để có thể gọi về cho gia đình" – Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo Hùng, vì biết sẽ không được trải nghiệm trọn vẹn chất Tết của quê nhà, nên không tham gia các chương trình của Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ mà dành thời gian gọi về cho gia đình.
Bình luận (0)