Các chuyên gia giáo dục cho rằng sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo và cơ cấu ngành nghề khiến lao động có trình độ cử nhân dư thừa. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ sẽ khiến Việt Nam thua ngay trên sân nhà khi thị trường lao động tự do trong khối các nước ASEAN thực hiện năm 2015.
Cân đối lại cơ cấu ngành nghề
Ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, TP HCM - cho rằng trong gần 20 năm đổi mới, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ quy mô giáo dục ĐH là sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo các bậc học và mất cân đối về ngành nghề. Cụ thể, năm 2007, tính trên 100 lao động qua đào tạo thì có 30 người học nghề, 31 người học TCCN, 11 người học CĐ và 28 học ĐH. Năm 2011, con số này là 26 - 24 - 11 và 39. “Tỉ lệ giữa trình độ CĐ, ĐH so với nghề nghiệp năm 2007 là 39/61 thì đến năm 2011 tỉ lệ này là 50/50, điều này chứng tỏ cơ cấu lao động qua đào tạo ngày càng mất cân đối nghiêm trọng” - ông Sáng phân tích.
Sự mất cân đối trong đào tạo còn thể hiện ở chỗ chỉ tiêu đào tạo kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư chiếm tỉ trọng thấp, còn các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ lại quá cao dẫn đến việc thiếu nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong các ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử - kỹ thuật điện, hóa chất...) và ở các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế mới.
GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng vấn đề phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh thời gian qua thực hiện không tốt nên người học cứ ào ào vào ĐH. Theo GS Nhĩ, tư tưởng “phi ĐH bất thành phu, phụ” vẫn còn nặng mà ít ai nghĩ tới “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.
Một số ý kiến khác cho rằng cần chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tăng quy mô tuyển sinh cho dạy nghề, TCCN, giảm chỉ tiêu ĐH, CĐ để cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020 là: 1 ĐH/4 trung cấp/60 công nhân kỹ thuật lành nghề/20 công nhân bán lành nghề và 15 lao động phổ thông. Ngoài ra, GS Nhĩ cho rằng việc mà ngành giáo dục phải làm là hướng nghiệp để khoảng 50% học sinh sau THCS tiếp tục học lên THPT để vào ĐH, CĐ; 30%-40% đi học nghề.
Mở lối vào trung cấp
Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25-12-2012 quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng để khuyến khích người học học trung cấp, học nghề thì đừng gây khó khăn cho họ khi muốn học cao hơn. Tâm lý của người học là ít ai chấp nhận chỉ dừng lại học trung cấp mà phải liên thông lên những bậc học cao hơn. Vì vậy, cần phải cho phép người học được liên thông ngay lên bậc học cao hơn khi họ có nhu cầu và khả năng học liên thông.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, cho rằng Thông tư 55 không còn phù hợp khi các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh. “Tốt nhất, bộ cần để các trường được chủ động và chịu trách nhiệm trong tuyển sinh liên thông. Bộ chỉ nên giám sát và kiểm tra tiêu chí của các trường. Trong những trường hợp cụ thể, bộ có thể dùng chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng” - TS Quang nêu ý kiến.
“Quy định về điều kiện học liên thông của Bộ GD-ĐT hiện nay là bất cập, không nhằm bảo đảm tăng chất lượng đầu vào được mà vô tình chặn người học đi vào học trung cấp, nghề và khuyến khích người học đi vào ĐH”.
GS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Bình luận (0)