Mặc dù mới bước vào đầu tháng 8 Âm lịch nhưng xưởng sản xuất của anh Nguyễn Vũ Long đã "cháy" đơn hàng bánh trung thu dát vàng. Mỗi chiếc bánh trung thu có giá dao động từ 1- 1,5 triệu đồng tùy từng loại.
Đam mê "sơn son thếp vàng"
Sau 2 năm du học ngành Quản trị kinh doanh ở Hàn Quốc, anh Nguyễn Vũ Long (SN 1990) quyết định trở về Việt Nam ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, xây dựng lại thương hiệu bánh trung thu truyền thống của gia đình. Thời gian đầu, anh xin phụ bán hàng tại chuỗi các cửa hàng bán lẻ, tư vấn bảo hiểm… Anh làm nhiều nghề khác nhau nhằm trau dồi kỹ năng, nắm bắt tâm lý khách hàng.
Chàng trai 9X có niềm đam mê với bánh trung thu dát vàng
Năm 2017, từ hộ gia đình sản xuất bánh trung thu nhỏ lẻ, anh bắt đầu đăng ký thành lập công ty, nâng cấp hệ thống làm bánh chuyên nghiệp hơn. "Tôi lớn lên với mùi bánh trung thu của bà ngoại, hương vị ấy tiếp tục được mẹ gìn giữ. Bánh trung thu giống như hơi thở cuộc sống của gia đình tôi" – anh Long chia sẻ.
Với những kiến thức đã học và sự sáng tạo của mình, anh Long quyết tâm "chơi lớn", thử sức với dòng bánh trung thu dát vàng. Thời gian đầu, chàng trai không nhớ rõ đã làm hư bao nhiêu lá vàng. "Cứ dát vàng vào bánh là rách, gió thổi nhẹ cũng hư. Mạnh tay thì bánh móp, mà nhẹ tay quá thì vàng không dính vào bánh" – chàng trai kể.
Phủ bột vàng giúp tạo độ sáng và ánh kim cho bánh
Lá vàng 24K được anh Long tỉ mỉ dát vào mặt bánh trung thu
Theo anh Long, vàng để sử dụng trong thực phẩm và vàng sử dụng làm trang sức không hề giống nhau. Vàng dùng trong thực phẩm phải đạt 100% tinh khiết. Loại vàng 24K không lẫn tạp chất là phù hợp nhất.
Bánh sau khi nướng xong được phơi gió để tạo độ mềm cho vỏ. Khi bánh nguội, anh sẽ bắt đầu công đoạn dát vàng. Trung bình, mỗi bánh dát vàng mất khoảng 30 phút. Mỗi ngày xưởng có thể dát khoảng 100 bánh. Anh Long cho biết mỗi xấp vàng có 10 lá, mỗi lá có kích thước 9x9cm, được nhập từ nước ngoài và có giấy kiểm định an toàn thực phẩm. Một xấp vàng lá có giá dao động khoảng 4 triệu đồng.
Khách hàng có thể kiểm tra chất lượng vàng trên bánh bằng phương pháp phân kim
Tỉ mỉ dát từng mép vàng trên bánh, chàng trai 9X bộc bạch: "Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi hay nói vui đây là công đoạn sơn son thếp vàng. Người làm bánh cũng như một nghệ nhân kim hoàn. Đường vân vàng càng sắc nét càng thể hiện tay nghề của người thợ giỏi".
Kết hợp để tạo nên nét riêng
Chàng trai kết hợp công thức làm bánh gia truyền của bà ngoại để tạo nhân bánh thơm ngon, sự khéo léo trong nghề thủ công của cha để làm vỏ bánh đẹp và khả năng chụp ảnh, thiết kế bao bì của mình để cho ra đời những sưu tập bánh trung thu chất lượng.
Mỗi ngày xưởng sản xuất cung cấp ra thị trường hơn 2.000 bánh trung thu các loại. Thay vì chạy theo xu hướng bánh ngoại nhập có nhiều kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, anh Long ưu tiên lưu giữ hương vị truyền thống.
Bánh trung thu thập cẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng
Mỗi bánh trung thu có thời gian sử dụng trong vòng 20 ngày
Anh Long kể, bắt đầu từ tháng 12, cả nhà ngồi lại cùng nhau để lên ý tưởng hoa văn trên mặt bánh, hoa văn phải đậm chất Việt như hình hoa sen, chùa Một Cột… Sau khi hoàn tất bản vẽ sẽ bắt đầu lên khuôn, tạo mẫu bánh và chụp hình mẫu.
Nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm định nghiêm ngặt. Năm nay, xưởng sử dụng loại thịt heo thảo dưỡng cho các loại bánh cao cấp. Ngoài những nhân bánh truyền thống như thập cẩm, đậu xanh, khoai môn…Chàng trai 9X cũng nâng cấp thêm các dòng bánh như: gà quay xá xíu, thập cẩm bát bửu, thập cẩm bào ngư, long nhãn cốt sen, long nhãn chưng đường phèn.
Bánh trung thu dát vàng "cháy" hàng trong năm nay
"Bắt đầu từ tháng 6 đã có người đến xưởng đặt bánh, đa phần đây là những cô, chú ăn quen vị bánh trong suốt mấy chục năm qua. Bước sang cuối tháng 7, số lượng bánh đặt làm quà tặng bắt đầu tăng dần. Ngoài chất lượng bánh, thiết kế bao bì sang trọng, tinh tế cũng là cách để nâng cao giá trị của chiếc bánh trung thu" – Anh Long chia sẻ.
Bình luận (0)