Kỳ tích bóng đá Việt thời gian gần đây không chỉ làm nức lòng người hâm mộ mà còn thổi bùng niềm tự hào, sự lạc quan và tình đoàn kết dân tộc trên mọi nẻo đường: Á quân U23 Châu Á 2017, hạng tư ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018 và bây giờ là những chiến tích vượt bậc ở Asian Cup 2019.
Kỳ tích ấy khác gì những bông hoa ngát hương vẫn mạnh mẽ vươn mình và kiên định nở rộ trên mảnh đất cằn. Và con người có bàn tay kỳ diệu, khối óc minh mẫn cùng một trái tim nhiệt huyết đã vẽ hoa trên đất là HLV Park Hang-seo. Người Việt có cách gọi gần gũi và trân trọng vị HLV này là "thầy Park".
Thầy Park đối xử với các học trò như những người con. Ảnh: Đức Anh
Từ thầy Park, chúng ta hãy nối kết sự liên tưởng của mình về những người thầy trên bục giảng, nhiều điều thú vị sẽ khai sáng.
Nếu yêu mến và dõi theo mỗi bước đi của thầy Park trong khoảng thời gian ngắn ngủi gắn bó với bóng đá Việt, ta dễ dàng bắt gặp một con người vượt khó, sẵn sàng vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục để kiên trì, nhẫn nại thổi một làn gió mới vào từng đôi chân trên sân cỏ.
Khó khăn luôn song hành với cơ hội trong mỗi bước chuyển động của cái mới. Thử thách từ sâu trong bản chất đã ươm mầm cho tài năng có cơ hội tỏa sáng. Nếu mỗi người đều nuôi dưỡng động lực khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thử thách thì mọi vật cản trên đường đều có thể san bằng và tạo nên kỳ tích. Thực tế và những bước nhảy tuyệt vời của đội tuyển bóng đá Việt trên các đấu trường châu lục đã minh chứng điều đó.
Giáo dục nước nhà đang bước vào giai đoạn tăng tốc để đổi mới một cách toàn diện, căn bản. Thử thách, khó khăn vẫn đang chờ đón chúng ta phía trước. Không ai dám khẳng định công cuộc "thay sách" lần này sẽ thành công nhưng chúng ta đã đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới với tâm thế của một người sẵn sàng chấp nhận khó khăn và vượt qua thử thách hay chưa?
Mỗi người thầy, mỗi nhà quản lý giáo dục đã bắt đầu cho hành trình mới của mình như thế nào? Những nhận thức cơ bản nhất, những đổi thay quan trọng nhất về nền giáo dục khai phóng, thực học, thực nghiệp đã được cập nhật một cách đầy đủ và sâu sắc chưa? Tôi e là câu trả lời sẽ khiến chúng ta trăn trở.
Chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những người thầy vẫn thờ ơ với mọi sự đổi thay về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học… Chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những giáo viên tự nhốt mình trong "tháp ngà" của phương pháp dạy học cổ xưa – thầy đọc, trò chép.
Rồi có cả người thầy ngày ngày lên bục giảng với theo trách nhiệm, trống đánh ôm cặp vào và hết tiết ra về hoặc là người thầy tung hô quyền uy của mình đến tuyệt đối dẫn đến bao điều đáng tiếc trong quan hệ thầy – trò… Họ cần phải gặp thầy Park, học thầy Park cách bước qua rào cản, vượt qua thử thách để đạt được cái đích cuối cùng.
Nhiều lần theo dõi cách thầy Park trả lời báo chí về những cầu thủ của mình, rồi xem cách thầy đối xử với từng cầu thủ như con cái và bây giờ chứng kiến cái ôm ông trao cho từng cầu thủ trước khi về quê hương ăn Tết, tôi thấm thía vô cùng về cách yêu thương và phương pháp giáo dục của một người thầy tâm huyết.
Yêu trò, thương trò là đức tính cần có của mỗi người thầy trên bục giảng. Bên cạnh đó, người thầy phải hiểu tường tận thế mạnh, sở trường của từng học sinh để có thể ươm mầm tài năng, hun đúc năng khiếu người học. Quan trọng hơn hết là thầy phải truyền được một niềm tin mãnh liệt vào mỗi cô cậu học trò rằng "Em có thể làm được!", "Em có thể làm tốt hơn!"… để mỗi bước đi trò có thêm động lực vững vàng hơn.
Bình luận (0)