Theo quy định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1-2, học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8 giờ và kết thúc lúc 17 giờ; học sinh, sinh viên trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH bắt đầu giờ học sáng trước 7 giờ và kết thúc giờ học chiều sau 19 giờ... Việc thay đổi giờ học mới của Hà Nội khiến cả giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh lo lắng vì sinh hoạt bị đảo lộn.
Bất tiện vì đón con muộn
Còn theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc tan trường sau 19 giờ không chỉ gây khó cho học sinh mà còn mệt mỏi, mất thời gian cho cả phụ huynh trong việc đưa đón con vì giờ tan việc sớm hơn giờ tan trường của con đến 1 giờ.
Giáo viên cũng bị động
Một giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết không chỉ chị mà nhiều đồng nghiệp khác cũng rất lo lắng trước việc đổi giờ học. Theo lịch mới, chị phải có mặt ở trường khoảng 6 giờ 50 phút và về đến nhà vào khoảng 19 giờ 30 phút. Ăn cơm tối và dọn dẹp nhà cửa xong thì cũng đã 21 giờ, không còn thời gian chăm sóc con cái cũng như soạn giáo án lên lớp. Chưa hết, vì vợ chồng chị đều là giáo viên, đều phải đến trường sớm nên không biết phải đưa cô con gái đang học lớp 2 đi học bằng cách nào khi con tới 8 giờ mới vào lớp.
Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, khẳng định việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sinh hoạt của học sinh và giáo viên nhưng nhà trường đã động viên cả giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh cố gắng thực hiện vì chủ trương chung, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, sẽ có khoảng 900 trường với trên 500.000 học sinh nằm trong diện bị điều chỉnh giờ. Trong đó, có hơn 90.000 học sinh THPT và khoảng gần 40% trong số này (35.000 em) học ca chiều. Để giải quyết những khó khăn trong việc đổi giờ học, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã yêu cầu trong những ngày đầu đổi giờ học, các trường phải tạo điều kiện cho học sinh đến muộn vẫn được vào lớp hoặc cha mẹ đến đón muộn thì trường cần có biện pháp quản lý học sinh. Sau 2 tuần điều chỉnh giờ học, Sở GD-ĐT TP Hà Nội sẽ yêu cầu các trường báo cáo vướng mắc để đề xuất hướng xử lý.
Tăng cường xe buýt phục vụ học sinh, sinh viên Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết để phù hợp với việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chỉnh các tuyến xe buýt có đối tượng sinh viên, học sinh đi lại nhiều. Theo đó, sẽ dãn cách giờ chạy xe vào lúc cao điểm của 17 tuyến xe buýt; buổi sáng sẽ dãn cách thêm 60 phút, từ 6 giờ - 9 giờ; buổi chiều từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Đồng thời, điều chỉnh giờ chạy và tăng cường thêm 37 chuyến/ngày của 6 tuyến buýt nhanh số 2, 16, 27, 28, 32 và 39. Việc tăng chuyến xe buýt sẽ được thí điểm trong một vài ngày, nếu có bất cập sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Cũng theo Sở GTVT, kể từ ngày 1-2, giờ cao điểm của giao thông Hà Nội sẽ điều chỉnh, lùi về sớm hơn 30 phút so với trước đây, bắt đầu từ 6 giờ đến 9 giờ; buổi chiều từ 16 giờ đến 20 giờ. Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, các tổ công tác sẽ được tăng cường, bố trí linh hoạt để nhanh chóng giải quyết những sự cố có thể phát sinh trong những ngày đầu đổi giờ học, giờ làm. Đại tá Ngọc nhận định trong những ngày đầu, áp lực giao thông sẽ không lớn. Phải đến giữa tháng 2, khi sinh viên các trường ĐH, CĐ vào trường trở lại, người dân ở các tỉnh đổ về Hà Nội làm việc, lúc đó lưu lượng phương tiện, ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ tăng. T.Kha |
Bình luận (0)