Dù năm 2009 là lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo cụm trên toàn quốc nhưng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc tổ chức thi không mới, nhiều tỉnh như Nghệ An đã làm từ lâu. Đây là kỳ thi tốt nhất trong những năm gần đây: Số thí sinh bỏ thi giảm 3.000 em, số thí sinh bị đình chỉ thi giảm 88% so với năm 2007; tỉ lệ đến muộn, bị tai nạn giao thông đều giảm... Đặc biệt, sau này nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH thì việc thi theo cụm khiến các em sẽ tự giám sát lẫn nhau. “Trong cùng một phòng thi, nếu xảy ra tiêu cực, sẽ thiệt cho người xung quanh nên sẽ hạn chế việc bảo bài, truyền bài”- ông Nhân khẳng định.
Kiểm tra phiếu báo danh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6-2009. Ảnh: N.Hữu
Lợi ngành giáo dục nhưng khổ cho dân?
“Duy trì 2 kỳ thi cách nhau khoảng một tháng, mỗi kỳ thi trên dưới 1 triệu thí sinh thì áp lực vô cùng lớn... Chúng tôi muốn còn một kỳ thôi, đang bàn để chọn giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT hay giữ kỳ thi ĐH” – ông Nhân phân tích – “Nếu còn duy trì thi ĐH, sẽ còn các lò luyện thi. Nếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, học nghiêm túc thì luyện thi không còn chỗ đứng và các em có thể nộp đơn 5-10 trường ĐH,CĐ cùng một lúc với chỉ một bảng điểm. Cái đó cũng giảm áp lực cho các em”. Khảo sát của Bộ GD-ĐT, trên thế giới có 10% số nước còn duy trì 2 kỳ thi, 90% chọn phương án dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm kết quả xét tuyển hoặc xét tuyển phổ thông vào ĐH.
Bộ trưởng khẳng định: “Thi cụm tuy phức tạp hơn nhưng cần phải làm để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc. Bên cạnh thi cụm, bắt đầu từ kỳ thi này còn tổ chức chấm thi chéo để bảo đảm khách quan, không có khả năng thông đồng nếu dùng kết quả này xét tuyển ĐH.
Việc tổ chức thi theo cụm không tuyệt đối hóa, nơi có điều kiện thi theo cụm 3 trường, nơi đi lại khó khăn là cụm 2 trường, khó khăn hơn nữa thì vẫn thi tại chỗ. “Thi theo cụm không gây khó khăn thêm cho việc đi lại”- ông Nhân tự tin.
Đại biểu (ĐB) Thái Thị An Chung (Nghệ An) chưa hài lòng: “Cử tri than phiền là thi cụm thuận lợi cho ngành giáo dục nhưng lại khổ cho dân”. Đại diện cho cử tri miền núi, ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) phản ánh học sinh miền núi vẫn phải đi lại rất xa, từ 50-70 km, lo chỗ ăn ở; cơ sở vật chất để tổ chức thi theo cụm cũng còn khó khăn khiến một số học sinh bỏ thi, một số bị tai nạn giao thông. Bộ trưởng Nhân giải trình trước kỳ thi, bộ đã chỉ đạo “không tổ chức thi cụm ở mức gây khó khăn cho việc đi lại của các em” nên để địa phương tự quyết định. “Chúng tôi đặt yêu cầu như thế và sẽ nghe kỹ lại xem ở dưới giải quyết như thế nào” – ông Nhân tiếp thu.
Kiểm tra lại sai sót của SGK lịch sử
Chương trình sách giáo khoa (SGK) nặng một lần nữa trở thành vấn đề nóng trên nghị trường. Các ĐB cũng kêu gọi Bộ GD-ĐT phải có lộ trình khắc phục tình trạng “cặp nặng” của học sinh.
“Chương trình có nặng hay không, chúng tôi cũng nghe dư luận nhiều, còn bộ thì phải có khảo sát. Năm 2008 là năm đầu tiên có đánh giá chương trình SGK cả nước, ở từng môn học có tỉ lệ học sinh nhận xét là quá nặng, nhưng không phải đa số” – ông Nhân thông báo. Tuy nhiên, sau đó ông thừa nhận rằng có lẽ kết quả đó chưa đủ thuyết phục nên bộ sẽ nghiên cứu lại, thời gian tới sẽ tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và gia đình về chương trình.
Mặc dù vậy, bộ cũng đã triển khai một số giải pháp, như về nội dung môn học, không phải trong SGK có gì đều dạy hết mà chỉ hướng dẫn phần cốt lõi, còn có phần cho các em đọc thêm “như vậy trên giờ học sẽ không quá tải”.
Bộ cũng rà soát lại SGK hằng năm để có hiệu chỉnh, trong khi chưa thay bộ SGK mới, bộ đều có tài liệu hướng dẫn về những phần in sai, nội dung chưa hợp lý. Ông Nhân cho biết vừa qua bộ đã sang khảo sát tại Phần Lan - nước được đánh giá có chất lượng giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới. “Bạn cam kết sẽ giới thiệu chuyên gia giỏi nhất về xây dựng chương trình giáo dục của Phần Lan sang giúp trong năm nay và năm sau khi rà soát lại chương trình giáo dục”.
Trả lời ĐB Bùi Tuyết Minh (Kiên Giang) hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo bộ trong việc sai sót nội dung SGK, nhất là đối với môn lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 sai cả về kiến thức và kỹ thuật, ông Nhân chỉ thừa nhận là đúng, “xin tiếp thu” và cho biết thêm rằng “Ban biên tập họ biết và sẽ xử lý sau mỗi năm học, chúng tôi xin kiểm tra lại trong môn lịch sử chỗ nào sai và sẽ có trả lời chính thức”- ông hứa.
“Chương trình học rất nặng, Bộ GD-ĐT nên có lộ trình nhanh hơn chứ đến năm 2015 thì quá xa” – ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) lưu ý. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hứa đến hè năm 2010 sẽ báo cáo Quốc hội và cử tri về tình hình và chương trình xử lý, cải tiến.
Phó Thủ tướng, bộ trưởng bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: GS, TS bị bắt vì đánh bạc là rất đau xót
T.An |
Hôm nay, 13-6 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn
P. Dương |
Bình luận (0)