icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiến nghị bỏ 50 sân golf

Bài và ảnh: Thế Dũng

“Nếu dự án nào đã lấy vào đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa và đất lúa hai vụ thì đề nghị chuyển đổi, không đồng ý lấy đất lúa này”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, ngày 12-6

Mở màn chất vấn Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) về tình trạng tràn lan sân golf gây bức xúc trong dư luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) đặt vấn đề  hiện 80% diện tích đất của sân golf là đất nông nghiệp mà chỉ sử dụng 30% để xây dựng dân golf, còn lại được chủ đầu tư dành để kinh doanh bất động sản... Bộ trưởng có suy nghĩ gì và sẽ tham mưu với Chính phủ như thế nào khi sắp tới nếu các dự án sân golf vẫn tiếp tục được phát triển và khắc phục bằng cách nào? Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết nếu dự án sân golf nào đã lấy vào đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa và đất lúa hai vụ thì đề nghị chuyển đổi, không đồng ý lấy đất lúa này làm sân golf. Nếu tỉnh đã giao rồi thì đề nghị điều chỉnh lại.

img
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận): “Nước thải công nghiệp khai thác bauxite sẽ đi về đâu?”


Sẽ rà soát


Tiếp lời Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ở phần trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc cho biết, VN không có quy hoạch sân golf  và cũng không phân trách nhiệm cụ thể một bộ, một cơ quan nào làm quy hoạch sân golf. Trước dư luận báo chí cũng như phản ánh của Quốc hội (QH), Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT làm quy hoạch sân golf từ tháng 8-2008. Bộ KH-ĐT đã tổng rà soát lại tình hình sân golf trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Hiện cả nước có 166 dự án sân golf. Diện tích đất cấp cho các dự án đã cấp lên đến 52.700 ha, tức là bình quân hơn 300 ha cho một sân golf. Về đất nông nghiệp chiếm dụng là 10.500 ha, con số khá lớn, trong đó đất lúa là 2.900 ha. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị loại bỏ 50 sân golf và kiên quyết bác bỏ dự án sân golf trên đất hai vụ lúa.


Về trách nhiệm các tỉnh, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết sẽ rà soát để đình chỉ các sân golf không đáp ứng đủ các tiêu chí mà Thủ tướng đã có lệnh rồi, làm không đúng quy định thì phải đình chỉ. Sân golf nào đã cấp quá diện tích (Trung ương định mức là 100 ha cộng 10% cho sân golf 18 lỗ) thì cắt xén diện tích đúng với quy định.


Làm lợi 780 tỉ đồng/năm vẫn bị loại


Nghị trường “nóng” thêm khi ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) nêu vấn đề gây bức xúc dư luận, là UBND tỉnh Hà Tây cũ muốn lấy đất Trung tâm Tinh đông lạnh Moncada và Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (Ba Vì, Hà Nội) làm sân golf. Ông Vang chất vấn: “Việc này có đáng không khi cả thế giới có 2.500 sân golf mà VN có tới 166, gấp trên 10 lần bình quân thế giới. Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nhưng vẫn không ai giải quyết và nguy cơ lấy hai trung tâm nghiên cứu khoa học này để làm sân golf là rất dễ xảy ra vì chưa có một văn bản nào ngược lại vấn đề đó”. Ông Vang nhấn mạnh: “Trung tâm Tinh đông lạnh Moncada có công nghệ hàng đầu trong khu vực và tham gia trong chương trình cải tạo đàn bò vàng VN cũng như bò sữa, liên quan đến hưởng lợi của 4 triệu hộ nông dân ở 63 tỉnh, thành. Mỗi năm làm lợi cho  nông dân khoảng 780 tỉ đồng”.


Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Đăng Vang, Bộ trưởng Phạm Khôi  Nguyên nói: “Về hai trại nghiên cứu liên quan đến dự án sân golf này có liên quan đến quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây. Bộ TN-MT sẽ kiểm tra quy hoạch sử dụng đất ở khu vực này và quy mô của sân golf. Tinh thần là cố gắng giữ được hai đơn vị này”.


Cũng về Trung tâm tinh đông lạnh Moncada, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời: “Hiện quy hoạch của Hà Nội có 19 sân golf, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng loại bỏ 10 sân golf. Đối với những trung tâm nghiên cứu khoa học, tôi đồng tình với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là phải giữ”.

Nước thải nhà máy bauxite sẽ được kiểm soát?


Về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) nhấn mạnh vùng Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng, đất đai rất phì nhiêu, trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao nhất là cà phê, cao su. Những năm gần đây, về mùa khô thường thiếu nước tưới cho cây trồng. Thiết nghĩ phát triển về nguồn nước và giữ nước là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vậy Bộ TN-MT có chiến lược khai thác và sử dụng nước như thế nào để vừa phát triển công nghiệp, đồng thời với việc phát triển nông nghiệp bền vững, tránh thảm họa cho tương lai chưa? Nước thải công nghiệp khai thác bauxite sẽ đi về đâu, về lâu dài có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước và đất cho vùng hạ lưu không?


Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời: Nguyên tắc chung về sử dụng nước của 2 nhà máy sản xuất alumin của Tân Rai và Nhân Cơ là dùng phương pháp tuần hoàn, tức là tái sử dụng nước thải. Quá trình vận hành có thể rơi rụng một phần nhỏ nước thải nhưng về cơ bản không ảnh hưởng xuống vùng miền Tây Nam Bộ cũng như miền Trung Trung Bộ. Tại Tân Rai sẽ xây dựng hồ chứa nước đủ đáp ứng sản xuất và phục vụ dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp. Đối với Nhân Cơ cũng chuẩn bị hồ chứa nước xấp xỉ 20 triệu m3. Bộ TN-MT khẳng định việc sử dụng nước và nước thải của 2 nhà máy chế biến bauxite không ảnh hưởng môi trường.


Về bồi thường cho nông dân bị thiệt hại vì ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định nhất quán nguyên tắc ai là gây ra ô nhiễm thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường. Bộ TN-MT đã trình Chính phủ nghị định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo