Phát biểu, tổng kết hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ hôm nay, 14-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết từ nay đến năm 2015 sẽ có một thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ như không cứng nhắc thời gian xét tuyển.
Bộ GD-ĐT ghi nhận ý kiến tổ chức 2 kỳ thi ĐH, CĐ trong năm nhưng cần cân nhắc cụ thể hơn. Bộ giao Nhà Xuất bản Giáo dục tiếp tục cân nhắc in cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012" theo nhu cầu thị trường, Bộ GD-ĐT chỉ hỗ trợ.
Bộ sẽ sớm ban hành văn bản về phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung nhưng có một số điều chỉnh, bổ sung như sau:
Các trường vẫn tổ chức thi theo các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu và bổ sung thêm khối A1 (toán, lý, tiếng Anh).
Điều chỉnh lịch thi kỳ thi tuyển sinh năm 2012, tổ chức 3 đợt thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7.
Đợt 1, ngày 7 và 8-7 thi ĐH khối A, A1 và V.
Đợt 2, ngày 14 và 15-7, thi khối B,C,D và các khối năng khiếu
Đợt 3, ngày 21 và 22-7, thi CĐ tất cả các khối như năm 2011.
Bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng do trường ĐH Hàng Hải làm trưởng cụm thi, tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng và Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại trường ĐH Hàng Hải và các trường đại học đóng trên địa bàn TP Hà Nội.
Cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TPHCM.
Cho phép thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng học tại trường ĐH Vinh hoặc các trường ĐH đóng tại Hà Nội như những năm trước và các trường ĐH đóng tại TPHCM được dự thi tại cụm thi Vinh, do trường ĐH Vinh làm trưởng cụm thi.
Giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển
Căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước…
Sáng nay, 14-2, hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà Nội để quyết định các phương án tuyển sinh năm 2012.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có 549 đại biểu là đại diện Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng, cán bộ quản lý các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu có 5-7 phút để phát biểu ý kiến cũng như đề xuất các phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.
Nhiều đại biểu tập trung nêu ý kiến về vấn đề tự chủ trong các trường ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh, thêm khối thi, kéo dài thời gian tuyển sinh...
*TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:
Hiện nay, chúng ta đang giải quyết hậu quả của quá trình phát triển nóng trong giáo dục, nhưng vẫn phải giải quyết bài toán chất lượng – số lượng. Nếu áp dụng ngay lập tức các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng rất khó thực hiện được. Vì vậy, thiết nghĩ, chúng ta nên thực hiện theo lộ trình, đặc biệt các trường có bề dày nên làm gương trước cho các trường khác.
Năm 2012, cần kiên trì đổi mới quản lý trong ĐH, chuẩn hóa quản trị ĐH là yếu tố cần thiết giúp ĐH phát triển tốt hơn.
Về vấn đề đổi mới tuyển sinh: ĐH Quốc gia TPHCM đồng ý giải pháp tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đề ra năm 2012. Cụ thể, bộ không quy định thời gian xét tuyển, cho phép kéo dài đến 31-12-2012. Điều này giúp các trường chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch tuyển sinh.
Cần tiếp tục thảo luận về lộ trình cho các năm tiếp theo. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cần làm đầu mối phương án tuyển sinh; cần đề án tổng thể, khả thi, tránh dự kiến chung chung, không thực hiện được rồi gây hoang mang. Hi vọng vài năm nữa, thi ĐH sẽ nhẹ nhàng hơn chứ không như một sự kiện xã hội như hiện nay.
Lãnh đạo ĐH Hàng Hải đề nghị 1 năm nên tuyển sinh 2 đợt để sinh viên có điều kiện chuẩn bị, không nên tập trung cả nước thi một đợt gây nhiều khó khăn.
Các thí sinh thi ĐH, CĐ năm 2011 tại TPHCM. Ảnh tư liệu NLĐO
* TS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội:
Môn văn với các trường nghệ thuật chỉ là điểm thi điều kiện. Nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng điểm văn thấp không được học. Trước đây, tại trường đã có 1 nghệ sĩ rất nổi tiếng ở VN được phong là NSND nhưng thi vào trường không đậu vì môn văn thấp. Đề nghị Bộ GD-ĐT nên có khối thi bỏ môn văn, chỉ thi môn năng khiếu.
* Hiệu trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) Đỗ Hữu Tài nhất trí bổ sung thêm khối A1, điều chỉnh lịch thi vào các ngày thứ 7, chủ nhật để hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, bộ cần quy định rõ thời gian kéo dài tuyển sinh
* PGS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM:
Bộ GD-ĐT thêm khối A1 và tuyển chung một đợt là phù hợp với nguyện vọng của các trường. Bộ cũng nên thông báo chỉ tiêu cho các trường sớm hơn để trường chủ động tuyển sinh các hệ ngoài chính quy.
Về chương trình đào tạo, trường đề nghị Bộ bớt chương trình khung, tạo tự chủ cho các trường để mạnh dạn áp dụng chương trình tiên tiến.
Ngoài ra, chuẩn đầu ra đã được các trường thực hiện và áp dụng từ lâu. Thiết nghĩ, bộ nên rà soát lại đề xây dựng một chuẩn đầu ra hoàn thiện hơn, tiến tới xây dựng chuẩn đầu ra cho các hệ khác, kể cả sau ĐH.
* PGS-TS Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương:
Bộ GD-ĐT cần tiếp tục lãnh đạo đến khi các trường đủ sức tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ai cũng thấy tự chủ là hay nhưng nếu cho các trường tự chủ, nhiều trường không dám nhận vì không đủ sức. Nguyên nhân chính do chúng ta đang thiếu đội ngũ giảng viên đạt trình độ GS, PGS. Hiện nay, GS đầu đàn của ngành giáo dục như “lá mùa thu”.
* PGS-TS Cao Văn Phường, Hiệu trường Trường ĐH Bình Dương:
Khi giao các trường tự chủ, hội đồng khoa học sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong trường ĐH. Đó là nơi tập trung nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước để giúp trường đổi mới chương trình, mục tiêu đào tạo để gắn với sự phát triển xã hội. Bộ GD-ĐT chỉ cần đi kiểm tra, đánh giá chương trình.
Bình luận (0)