Ngày 14-2, hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Xét tuyển đến hết năm
Một trong những nội dung quan trọng của kỳ thi tuyển sinh năm 2012 là giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển trên cơ sở điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn.
Bộ không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước…
Điểm mới nữa là Bộ GD-ĐT bổ sung khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong ba năm học THPT (theo ban và theo khối), bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1, nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi xét tuyển, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về điều kiện xét tuyển. Hằng năm, chậm nhất là ngày 31-12, các trường phải báo cáo kết quả tuyển sinh và thực hiện chỉ tiêu của năm.
Sau đó, nếu vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ thì có thể tiếp tục tuyển sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói những đổi mới này nhằm hạn chế tình trạng thí sinh điểm cao không tìm được chỗ học trong khi nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Cần xác định thời điểm cuối cùng
Chủ trương kéo dài thời gian xét tuyển đến tận 31-12 khiến nhiều trường lo lắng. Ông Đinh Xuân Quang, Hiệu trưởng ĐH Vinh, cho rằng sau ngày 10-10 là hoàn thành tuyển sinh, việc xét tuyển có thể không phân đợt nhưng phải chấm dứt ở khoảng ngày 10-10 là hợp lý.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, khẳng định cần xác định thời điểm cuối cùng chứ không nên kéo dài. Quan điểm này cũng nhận được đồng tình của ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng. Ông Nam nói thêm là kể cả đào tạo theo tín chỉ thì cũng không nên kéo dài thời gian xét tuyển, chưa kể xét tuyển nhiều lần sẽ gây khó cho các trường.
Thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2011 tại Hội đồng thi Trường THPT Marie Curie (TPHCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Trước phản hồi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh các trường tự chủ xét tuyển, trường nào xong sớm thì kết thúc sớm và thực tế là có đến 70% số trường hoàn thành xét tuyển ngay từ đợt 1, chỉ các trường tốp dưới khó tuyển sinh mới cần kéo dài thời gian.
Về lo lắng lượng thí sinh ảo sẽ rất lớn, ông Ga cho rằng vấn đề này có thể giải quyết được vì các trường không chỉ tuyển một lần, không đủ thì tuyển tiếp. Thêm vào đó, những trường đào tạo theo tín chỉ có thể bắt đầu việc học bất cứ lúc nào. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết các trường có thể không nhất thiết kéo dài xét tuyển đến cuối năm, hạn cuối để xét tuyển có thể chốt vào một ngày nhất định.
Thay đổi lịch thi
Năm nay, dự kiến lịch thi tuyển sinh sẽ được lùi vài ngày so với năm trước và tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật nhằm tránh ùn tắc. Cụ thể đợt 1, ngày 7 và 8-7 thi ĐH khối A, A1 và V; đợt 2 là ngày 14 và 15-7, thi ĐH khối B, C, D và năng khiếu; đợt 3 là ngày 21 và 22-7, thi CĐ tất cả các khối như năm 2011.
Ngoài tổ chức 3 cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung cụm thi Hải Phòng cho những thí sinh có nguyện vọng học ở các trường ĐH tại Hà Nội đồng thời cho phép thí sinh dự thi của cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TPHCM.
Theo ông Trần Văn Nam, lịch thi này chưa hợp lý nên cần rút gọn lại. Việc kéo dài kỳ thi đến 3 tuần sẽ khiến cán bộ làm đề thi rất vất vả, cán bộ chấm thi cũng không có thời gian nghỉ hè. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đồng ý phải cân nhắc lại lịch thi vì càng kéo dài thời gian, lực lượng ra đề thi càng căng thẳng và tốn kém cũng từ đó tăng lên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định các trường đặc thù khối văn hóa nghệ thuật, an ninh quốc phòng sẽ có những ngoại lệ liên quan đến đào tạo trung cấp và môn thi tuyển sinh. Bộ sẽ đáp ứng các yêu cầu dựa trên đề xuất của các trường.
Phải bảo đảm chất lượng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu phải rà soát lại chỉ tiêu đến năm 2020 tăng cường công tác dự báo để mục tiêu đặt ra có tính khả thi.
Từ công tác tuyển sinh mấy năm qua, Bộ GD-ĐT cần có báo cáo tổng kết liệu có cần điều chỉnh cơ cấu ngành nghề hay không khi có đến gần 60% số trường ĐH, CĐ cả nước có tuyển sinh các ngành kinh tế, 41% sinh viên thi vào các ngành kinh tế, tài chính ngân hàng?
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch nguồn nhân lực và Bộ GD-ĐT đã xác định tiêu chí quan trọng nhất để xác định chỉ tiêu là phải phù hợp với quy hoạch nhân lực địa phương. Trước đây, các trường muốn mở ngành nào thì mở nhưng nay bộ sẽ dựa vào quy hoạch nhân lực để điều chỉnh cơ cấu ngành nghề cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết thêm là đang cân nhắc để báo cáo Thủ tướng về chỉ tiêu tuyển sinh. Việc tăng số lượng phải trên cơ sở bảo đảm chất lượng chứ không bị sức ép về số lượng. |
Bình luận (0)