Điểm thi đơn trường tăng
Tại buổi họp báo chiều 4-6 của Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ thi theo cụm để giám thị và thí sinh không phải đi xa, giảm bớt tai nạn giao thông và bảo đảm sức khỏe. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, người phụ trách kỳ thi, cho rằng vấn đề an toàn giao thông là của toàn xã hội chứ không riêng gì trong các kỳ thi. Nhiều người đã không đồng tình với câu trả lời ấy, vì chỉ trong 3 ngày thi, với riêng hơn 1 triệu thí sinh và giám thị mà số người chết và bị thương lên tới hơn 100 người thì vấn đề rất cần mổ xẻ.
Thực ra, ngay từ đầu khi ngành giáo dục chủ trương thi theo cụm đã có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, chỉ là hình thức chứ không thể bảo đảm sự nghiêm minh trong khâu coi thi. Sau khi có ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội khóa XII và của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục… chủ trương thi theo cụm đã được nới lỏng một phần, quy định cụm thi phải từ 3 trường trở lên đã giảm đi, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn.
Theo số liệu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm 2009 cả nước có 1.113.930 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và có 1.069 cụm thi. Ở kỳ thi năm nay cả nước có 1.051.445 thí sinh dự thi và đã có tới 1.292 cụm thi.
Như vậy, so với năm 2009, năm nay đã giảm 63.000 thí sinh dự thi nhưng số cụm thi đã tăng lên 223 cụm, chứng tỏ số điểm thi đơn trường đã tăng lên. Cụ thể tại tỉnh Điện Biên có 3 cụm thi 3 trường trở lên, 10 cụm thi 2 trường và 8 điểm thi đơn trường. Ở tỉnh Thanh Hóa, dù địa bàn rất rộng nhưng nhờ số điểm thi đơn trường cao nên không có thí sinh phải đi xa quá 10 km. Ở tỉnh Quảng Nam có các huyện miền núi địa bàn xa xôi cách trở và tỉnh này cũng đã tổ chức cho học sinh các vùng này thi độc lập tại trường.
Hay như ở tỉnh Quảng Ninh, thay vì thí sinh của cụm thi trên đảo Cô Tô phải vượt 60 km đường biển vào đất liền để thi như các năm trước thì năm nay tỉnh đã chọn giải pháp thành lập điểm thi ngày trên đảo Cô Tô. Tất cả những điểm thi ấy cũng đều đã có một kỳ thi nghiêm túc.
Thí sinh lẫn giám thị đều vất vả
Tiếc là do chủ trương thi theo cụm chưa được xóa bỏ nên nhiều địa phương vẫn còn duy trì một cách máy móc. Chẳng hạn như tại TPHCM, học sinh Trường THPT Cần Thạnh đã phải vượt 40 km để đến ở tại Trường THCS Bình Khánh, ngay sát cụm thi duy nhất của huyện Cần Giờ. Câu hỏi đặt ra là tại sao TPHCM không tổ chức thi đơn trường cho học sinh THPT huyện Cần Giờ? Nhiều giám thị ở TPHCM cũng than phiền là phải dậy từ rất sớm để chạy xe máy 20-30 km tới điểm coi thi, đường sá đông đúc cho nên họ rất sợ tai nạn giao thông.
Rất nhiều lý lẽ để bênh vực cho việc níu kéo hình thức thi theo cụm, nào là không đủ giám thị, nào là để cho gọn gàng… nhưng trên thực tế việc thi cụm đang dần dần phá sản bởi quá nhiều hệ lụy nảy sinh. Điều dễ nhận thấy nhất trong hình thức tổ chức thi này là làm cho cả thí sinh lẫn giám thị quá vất vả, trong khi chất lượng kỳ thi thì hoàn toàn không vì thế mà tốt hơn.
Vì phải thi theo cụm mà 266 thí sinh từ huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận phải vào đất liền dự thi. Ở tỉnh Gia Lai, ông trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT cho Báo Người Lao Động biết thí sinh tỉnh này phải đi từ 20-25 km để tới địa điểm thi là phổ biến. Cũng ở tỉnh Gia Lai, 100 thí sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng phải vượt sông Ba về tá túc ở thị trấn Phú Tích để dự thi. |
Bình luận (0)