Hiệu trưởng nhiều trường THPT ở TP HCM cho rằng với phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố, học sinh sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ.
Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, ủng hộ kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn. “Thi 6 môn hay 4 môn không phải là thay đổi quá lớn. Phương án thi 4 môn giảm áp lực rất lớn cho học sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đừng nên tổ chức thi các môn trùng thời gian” - bà Hòa kiến nghị.
Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng trước quy định kết quả thi 4 môn chỉ chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp, 50% còn lại sử dụng kết quả học tập, rèn luyện lớp 12. “Ngay cả khi còn tổ chức thi tốt nghiệp 6 môn thì tiêu cực vẫn xảy ra nơi này, nơi kia. Nay Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập, rèn luyện năm lớp 12 của học sinh chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp thì tôi không tin rằng kết quả năm lớp 12 của học sinh sẽ khách quan, trung thực” - bà Phùng Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm (TP HCM), nói.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (TP HCM), cho rằng nếu như trước đây, học sinh thi tốt nghiệp 6 môn phải đạt trung bình 5 điểm/môn mới đậu thì nay 3 hoặc 4 điểm vẫn có thể đậu vì kết quả học tập năm lớp 12 “gánh” giùm.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thừa nhận hằng năm, ngay khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp thì các trường đã dồn phần lớn thời gian cho việc ôn luyện những môn này. Do đó, tình trạng học lệch vẫn rất khó chấm dứt.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho rằng với quy định 2 môn bắt buộc là văn, toán và học sinh được chọn 2 môn trong 6 môn còn lại thì tình trạng học lệch chắc chắn sẽ xảy ra ở những năm tiếp theo. Đặc biệt, sẽ rất ít học sinh chọn thi môn sử vì học rất nặng. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), những môn xã hội sẽ ít học sinh lựa chọn và đó không phải là lỗi của các em mà là do thực tế những ngành này không có đầu ra.
Tăng cường câu hỏi mở
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng Bộ GD-ĐT phải sớm đưa ra những dạng đề để học sinh biết và ôn luyện. Năm đầu tiên bao giờ cũng nhiều bỡ ngỡ, mà xu hướng của học sinh lâu nay là học thuộc lòng nên với dạng đề mới yêu cầu đào sâu suy nghĩ, các em phải tư duy vất vả hơn.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đề thi ngoại ngữ năm nay sẽ có phần viết luận bên cạnh thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trắc nghiệm và bao nhiêu là câu hỏi tự luận. Đối với các môn khác, vẫn giữ nguyên hình thức thi nhưng sẽ tăng cường câu hỏi mở để tiệm cận dần với việc thi 4 môn thành 4 bài thi, dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2015.
Bình luận (0)